Có đến 4.537 vận động viên đang tham dự Paralympic Tokyo, cùng nhau viết nên rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng. Và Ibrahim Hamadtou (48 tuổi) có lẽ là một trong những nhân vật nêu cao tinh thần thể thao nhất năm 2021.
Đến với bóng bàn từ thử thách và... một lời miệt thị
Hamadtou bị mất cả 2 tay trong một vụ tai nạn tàu hỏa khi mới 10 tuổi. Tuy nhiên, bất hạnh ấy cũng không ngăn được ông sống một cách trọn vẹn. Hamadtou bắt đầu chơi 2 môn thể thao ở quê nhà sau tai nạn là bóng đá và bóng bàn.
"Ở làng của chúng tôi (tại Ai Cập), thời điểm đó chỉ có bóng bàn và bóng đá. Đó là lý do tại sao tôi chơi cả hai. Với thể chất của mình, theo logic thì hợp để chơi bóng đá. Sau đó, tôi chơi bóng bàn như một thử thách cho bản thân", Hamadtou nói với CNN vào năm 2014.
Bản thân vận động viên người Ai Cập cũng thừa nhận việc chơi bóng bàn khi không có tay là điều rất khó khăn. Song, không gì là không thể khi con người biết cố gắng vượt qua nghịch cảnh. "Tôi phải tập luyện chăm chỉ hàng ngày trong 3 năm liên tục. Lúc đầu, mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi thi đấu. Họ đã động viên và hỗ trợ tôi rất nhiều", Ibrahim Hamadtou nói thêm.
Kỳ thực, động lực lớn nhất khiến Hamadtou quyết tâm đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp lại bắt đầu từ một lời miệt thị đáng trách. Với vận động viên người Ai Cập, đó là một sự cố tình cờ nhưng rẽ hướng cuộc đời ông.
"Hồi nhỏ, có một lần tôi điều hành một trận đấu bóng bàn ở câu lạc bộ, giữa 2 người bạn của mình. Họ không ý với một tình huống, khi tôi tính điểm có lợi cho một trong số họ. Người chơi kia đã nói với tôi rằng đừng can thiệp vì bạn sẽ không bao giờ có thể chơi được bộ môn này. Chính câu nói ấy đã thôi thúc tôi quyết định phải chơi bóng bàn", Hamadtou kể lại trong cuộc phỏng vấn của Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế.
Kỹ thuật đặc biệt và minh chứng của nghị lực
Ở Paralympic Tokyo, Ibrahim Hamadtou đã nhận trận thua trước Park Hong-kyu của Hàn Quốc (với tỉ số lần lượt 11-6, 11-4 và 11-9) ở vòng loại 6. Tuy nhiên, điều quý giá nhất mà vận động viên người Ai Cập mang đến Thế vận hội là nghị lực bền bỉ, một nguồn cảm hứng mạnh mẽ.
Người đàn ông 48 tuổi không có tay nên dùng miệng để ngậm vợt thi đấu. Ông cũng không mang giày ở bàn chân phải nhằm sử sử dụng ngón chân để giữ và tung, giúp đạt độ xoáy khi giao bóng. Những gì khán giả được chứng kiến là kết quả của một hành trình dài nỗ lực. Do đó, chuyện thắng bại không còn là điều quan trọng nhất.
"Trận thua hôm nay có vị đắng. Tôi thậm chí không có bất cứ điều gì để nói. Tôi đã chơi và thể hiện tốt, và tôi cảm ơn Chúa vì điều đó. Tôi bắt đầu chuẩn bị cho Tokyo 2020 từ ngay sau Rio. Đó là một giai đoạn khó khăn nhưng tôi đã làm việc hết sức chăm chỉ để hy vọng kết quả tốt", Hamadtou chia sẻ trên World Table Tennis sau trận thua hôm 25.8.
Thực tế, Ibrahim Hamadtou là niềm tự hào của thể thao người khuyết tật. Và dù có thành tích ra sao tại Paralympic 2020, ông cũng sẽ và mãi luôn là niềm cảm hứng vì nghị lực sống. Sự nể phục dành cho Hamadtou, có bao nhiêu cũng là xứng đáng.
Ibrahim Hamadtou ra mắt lần đầu tiên ở tuổi 43, tại Rio, sau khi vượt qua vòng loại với vị trí thứ 2 tại Giải vô địch Châu Phi 2016. Ông giành hạng 6 dành cho các vận động viên có thể đứng nhưng bị khuyết tật ở cả tay và chân.