Bi kịch của Tevez
Khi nhắc đến một ngôi sao từng khuynh đảo trời Âu chuyển sang Trung Quốc để tiếp tục sự nghiệp, cái tên Carlos Tevez sẽ được nhiều người nhắc tới nhất. Người ta nói đến Tevez không phải vì tài năng mà bởi số tiền lương lên tới 615.000 bảng/tuần tại Thân Hoa Thượng Hải. Cùng thời điểm cuối năm 2016, những ngôi sao “hạng A” như Messi hay Ronaldo cũng chỉ có được số tiền lương bằng một nửa những gì Tevez nhận được.
Tevez rời Boca Juniors trong im lặng, bất chấp hàng ngàn dòng nước mắt và những tấm biểu ngữ của CĐV Argentina nhằm níu giữ chân anh. Một bản hợp đồng “chộp giật”, El Apache đã khoác lên mình chiếc áo có dòng chữ tượng hình mà anh cũng không biết phải phát âm như thế nào cho đúng. 615.000 bảng/tuần - con số ấy từng là đề tài nóng hổi trên khắp các mặt báo thời điểm 6 tháng trước, khi người ta liên tục tính xem với số tiền ấy Tevez sẽ mua được bao nhiêu hòn đảo, bao nhiêu lâu đài, tiêu bao giờ mới hết...? Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Trung Quốc, mọi thứ với Tevez không tươi sáng như ánh nắng vàng của thành phố Thượng Hải.
Tiền đạo Argentina ra mắt bằng một trận thua choáng váng trước CLB Brisbane Roar. Những ngày đầu tại Trung Quốc trở thành cơn ác mộng khi Thân Hoa Thượng Hải không có vé chơi AFC Champions League. Sau kết quả đáng xấu hổ đó, El Apache bị sốc và tâm lý chống đối, buông xuôi xuất hiện.
Tevez thoải mái đi mua sắm trong khi các đồng đội đang thi đấu. Khán giả Thượng Hải chê trách Tevez hám tiền, thiếu chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác. Từ M.U, Juve hay Man City, có thể không phải mẫu người trung thành, nhưng Tevez chưa bao giờ tỏ thái độ thiếu chuyên nghiệp như khoảng thời gian khoác áo Thân Hoa Thượng Hải.
El Apache đã bị sốc bởi trận thua đau ngay trong ngày đầu tiên, nhưng có một lý do còn xa hơn thế, đau đớn thay đó lại là thứ đã cắt đứt tình cảm giữa anh và Boca Juniors: Những đồng nhân dân tệ. Tevez nhận 615.000 bảng/tuần, nhưng trong 3 tháng đầu, anh chưa nhận đồng nào bởi Thân Hoa Thượng Hải thông báo... nợ. Điều này khiến anh tỉnh ngộ...
Sự tủi hổ của Goran Eriksson
Có ai đã từng bị đuổi việc bằng một bài thơ chưa? Câu trả lời là có và nó dành cho HLV Sven Goran Eriksson - cựu thuyền trưởng của ĐT Anh. Ngày 14.6.2017 có lẽ là một trong những mốc thời gian xấu hổ nhất của ông thầy người Thụy Điển khi bị đuổi việc.
Đội bóng hạng Nhất Thẩm Quyến đã có hẳn một bài thơ để nói về việc không tiếp tục làm việc với HLV người Thụy Điển. Điều đáng nói ở đây là bài thơ đó dùng để ca ngợi và lôi kéo một HLV họ Vương quay lại dẫn dắt CLB chứ không đả động một từ nào đến việc sa thải ông Eriksson. Trong sự nghiệp, đây không phải lần đầu tiên chiến lược gia 69 tuổi mất việc, nhưng chắc chắn là lần đầu tiên ông bị đuổi theo kiểu như vậy.
Nhưng dù có bị Thẩm Quyến đuổi việc theo cách nào đi nữa, Eriksson cũng nên tự trách mình. Nắm Thẩm Quyến khi CLB này xuống hạng và được giao trọng trách vực dậy CLB, sau 9 trận ở giải hạng Nhất, Thẩm Quyến của Eriksson hòa 2 và thua tới 7, xếp cuối bảng và đối diện nguy cơ tụt xuống hạng Hai. Kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến trời Âu của Eriksson hóa ra cũng chỉ là “võ mèo” trên đất Trung Quốc. Từ Quảng Châu R&F, Thượng Hải SIPG cho tới Thẩm Quyến, Eriksson có lẽ đã nếm đủ sự khắc nghiệt ở xứ mà ông vẫn cho là “mù bóng đá”.
Giờ đây khi chuẩn bị bước sang tuổi 70, có lẽ đã đến lúc HLV này nên khép lại chuyến phiêu bạt tại Trung Quốc, dù cái kết của nó không được trọn vẹn như những gì ông từng mơ.
Đồng tiền không đổi được niềm tin
Qua câu chuyện của Carlos Tevez và Sven Goran Eriksson, giờ đây các ngôi sao có ý định đánh đổi khi đến Trung Quốc chơi bóng theo tiếng gọi của đồng tiền có lẽ đã hiểu được phần nào sự khắc nghiệt...
Bóng đá Trung Quốc vẫn đang mời gọi các ngôi sao lớn của thế giới bằng những bản hợp đồng “bom nguyên tử”. Nhưng giờ đây có ai dám chắc, khi một ngôi sao nào đó cập bến, liệu họ có bị nợ lương hay bị đuổi việc bằng một bài thơ không?
Chẳng ai biết trước được câu trả lời, nhưng có một điều tất cả đều hiểu, niềm tin là thứ không thể đổi lấy được bằng những đồng tiền trong thế giới bóng đá. Niềm tin của CĐV Boca cho Tevez từng thua những đồng nhân dân tệ và giờ đây khi đã đánh mất nó, dù có 615.000 bảng mỗi tuần đi nữa, Tevez cũng không thể đổi lại được giá trị vĩnh cửu ấy.
Câu chuyện của Tevez và Eriksson sẽ là một bài học khiến nhiều ngôi sao sẽ phải ngẫm nghĩ kỹ trước những lời mời gọi hấp dẫn, hào nhoáng, để tránh đi vào vết xe đổ...