Từ chấn thương tái phát của Đình Trọng
Hàng loạt các tuyển thủ Việt Nam đã dính chấn thương chưa hẹn ngày trở lại như: Xuân Trường, Văn Đức, Xuân Mạnh, Đình Trọng, Huy Hùng, Duy Mạnh, Văn Hậu.
Tuấn Anh mới trở lại sau khi tái phát chấn thương. Quang Hải cũng mới được thi đấu trở lại, vào sân từng trận từ ghế dự bị. Đây đều là những gương mặt trụ cột của ĐT Việt Nam và có tần suất thi đấu nhiều với cường độ cao.
Mới đây, điều đáng tiếc nhất đã xảy ra khi Đình Trọng tái phát chấn thương và phải nghỉ thi đấu thêm 3 tháng. Trung vệ của Hà Nội phẫu thuật dây chằng đầu gối ở Singapore hồi tháng 6.2019. Sau khi điều trị, trở lại tập luyện và thi đấu đã có dấu hiệu bị đau ở vết mổ.
Đình Trọng đã trở lại Singapore tái khám hôm 8.3 cùng Duy Mạnh. Theo kết quả tái khám mới đây tại Singapore, chấn thương của Đình Trọng vẫn còn ra dịch. Nguyên nhân được chỉ ra là việc chưa hoàn toàn hồi phục 100% nhưng trở lại thi đấu khiến cho tình hình chấn thương của Đình Trọng bị tái phát.
Đình Trọng trở lại thi đấu sau chấn thương tại Vòng chung kết U.23 Châu Á 2020. Đó là thời điểm mà anh mới phẫu thuật được 5 tháng. HLV Park Hang-seo đã sử dụng Đình Trọng để lấp vào những điểm yếu của U.23 Việt Nam. Đó là giải đấu mà ông Park không có được hàng thủ tốt nhất.
Trước giải đấu này, HLV Chu Đình Nghiêm đã cảnh báo về chấn thương của Đình Trọng. Ông chia sẻ rằng: “Tôi rất lo cho Đình Trọng vì có vẻ cậu ấy đã quá nóng vội. Chấn thương dây chằng gối sau khi mổ nối lại cần thời gian ổn định. Tôi thấy cậu ấy trở lại tập trung với đội lúc chấn thương chưa hồi phục 100%. Điều đó là điều tôi đang lo ngại nhất”.
Thế nên, khi Quang Hải gặp chấn thương tại SEA Games 30, HLV Chu Đình Nghiêm đã rất thận trọng khi sử dụng anh sau khi hồi phục ở CLB Hà Nội. Quang Hải được đưa vào sân từng thời điểm khác nhau để lấy lại cảm giác bóng.
Chấn thương của Đình Trọng là hệ quả thấy rõ nhất vai trò của đội ngũ y tế cũng như quan điểm của huấn luyện viên.
Cần có dữ liệu chấn thương cầu thủ
Việc chấn thương của các tuyển thủ quốc gia có cả trong đợt tập trung cùng đội tuyển, có cả việc thi đấu cho các câu lạc bộ. Các chấn thương đến theo những cách khác nhau, trong đó có việc quá tải do thi đấu nhiều mặt trận, động tác sai kỹ thuật, do chính các bác sĩ thể thao Việt Nam...
Đặc biệt là việc các huấn luyện viên quá nóng vội khi sử dụng cầu thủ mới trở lại sau chấn thương. Chính những điều này khiến việc hồi phục của các cầu thủ diễn ra chậm, có nguy cơ tái phát chấn thương.
Mỗi một đợt tập trung của ĐTQG và U.23, tình trạng sức khoẻ của các cầu thủ luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của ban huấn luyện. Thế nhưng, chúng ta vẫn nhận thấy một thực tế rằng, VFF chưa có cách quản trị hồ sơ của cầu thủ theo một cách có hệ thống chuyên biệt.
Trong đợt tập trung của Đội tuyển U.23 Việt Nam chuẩn bị cho giải ASIAD 18, Huấn luyện viên Park Hang-seo từng chia sẻ rằng từ U.23 đến ĐTQG không có một số liệu gì ghi chép về tình hình thể lực của các cầu thủ. Thậm chí, ghi chép về chấn thương chúng ta cũng không có. Để đánh giá tình hình các cầu thủ, chúng ta phải có số liệu, nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu điều này.
Cụ thể về tình hình thể lực từng cầu thủ, tình hình chấn thương và lịch sử chấn thương của cầu thủ đó. Chúng ta cũng thiếu luôn những ghi chép về lịch sử những vị trí mà các cầu thủ từng thi đấu. Chúng ta không có một ghi chép cụ thể nào.
Nếu chúng ta không ghi chép lại, thì những huấn luyện viên làm việc sau đó thì họ phải làm lại từ đầu. Họ không biết được lịch sử các thông số về cầu thủ đó như thế nào.
Ông Park cũng chia sẻ rằng, trong thời gian làm việc ở đây, ông sẽ cố gắng hoàn thiện vấn đề này. Mặc dù không thể hoàn thiện nhất nhưng chắc chắn phải có đầy đủ số liệu về tình hình chấn thương, sức khoẻ và tình hình thể lực các cầu thủ. Từ dữ liệu đó sẽ có phương án riêng cho từng cầu thủ cũng như kế hoạch tập luyện. Đấy cũng là căn cứ để chúng ta lựa chọn cầu thủ.
Khi được hỏi quan điểm về ý kiến của Huấn luyện viên Park Hang-seo, bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ - Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - người từng có quãng thời gian làm việc ở ĐTQG và U.23 cũng cho rằng: “Về dữ liệu tình trạng chấn thương của các cầu thủ vẫn được chúng tôi ghi chép ở từng đợt tập trung. Tất cả những cầu thủ Việt Nam tôi từng làm việc đều có sự ghi chép tiền sử chấn thương, quá trình điều trị.
Tôi vẫn lưu riêng và có gửi báo cáo cụ thể. Nhưng ở đây chỉ là ghi chép thủ công. Còn VFF chưa có một hệ thống quản lý dữ liệu mang tính hệ thống bằng phần mềm riêng. Bóng đá Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn để trở thành một hệ thống”.
Các tuyển thủ Việt Nam gặp chấn thương nặng, hầu hết đều được phẫu thuật và điều trị chủ yếu ở nước ngoài như: Hàn Quốc, Singapore. Việc phục hồi trong nước, nhiều câu lạc bộ không đáp ứng được do cơ sở vật chất và phương pháp tập luyện.
Công tác y tế của các câu lạc bộ chưa tốt cùng với nền y học thể thao Việt Nam hạn chế cũng là điều khiến cho các cầu thủ kéo dài thời gian hồi phục.
Do đó mà việc nắm lịch sử chấn thương của các cầu thủ Việt Nam là điều rất cần khi các huấn luyện viên ĐTQG chuẩn bị kế hoạch cho các giải đấu lớn. Đây là lỗ hổng cần được khoả lấp trước khi bóng đá Việt Nam thực hiện các mục tiêu lớn.