Chưa có cơ sở về việc tăng F0 từ mở bán rượu bia
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 khiến tâm lý người dân bức bối vì thời gian dài phải ở trong nhà. Do đó, việc mở lại hoạt động kinh doanh ăn uống có bán rượu, bia là chính đáng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng cần phải phục hồi phát triển nên TP cũng cần phải tính toán không thể đóng cửa mãi. Chính vì vậy, lãnh đạo TP đã cho thí điểm, từ đó đánh giá từng bước một cách thận trọng từ việc cho phép kinh doanh tại TP.Thủ Đức, Quận 7 rồi từ từ ra các quận, huyện khác. Ngày 1.12, sau khi kết thúc thí điểm đợt đầu TP cũng đã có văn bản thứ 2 về việc tiếp tục thí điểm đến 30.12.
Trên cơ sở văn bản thứ 2 này, TP chỉ đạo Sở Công thương tham khảo các quận huyện, đa số các địa phương đánh giá việc mở cửa hoạt động ăn uống và cho kinh doanh rượu bia có những lợi ích.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh: "Hiện vẫn chưa thấy cơ sở nào để rằng nó có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc tiếp xúc gần, ăn uống với nhau sẽ có nguy cơ cao hơn, tuy nhiên chưa có cơ sở để nói tất cả các việc gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia. Do đó, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì chưa có cơ sở, nhưng vẫn phải tiếp tục thận trọng".
Về vấn đề cho phép mở lại hoạt động kinh doanh ăn uống có bán rượu, bia, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cũng cho biết, hoạt động này phụ thuộc vào cấp độ dịch của từng địa phương.
"Việc quyết định cấp độ dịch chính là số ca mắc mới hằng ngày, nếu số ca mắc mới tăng thì chắc chắn sẽ phải đóng lại việc kinh doanh rượu bia, nếu trong bàn nhậu có F0 thì chắc chắn sẽ có nhiều F0 khác. Có triệu chứng nghi ngờ hoặc là F0 thì hãy tuân thủ quy định cách ly, khi nào lành bệnh thì giao lưu sau" - bác sĩ Lê Hồng Nga chia sẻ.
Tập trung bán hàng lưu động phục vụ người lao động
Thời điểm từ nay đến Tết nguyên đán 2022, việc bán hàng lưu động sẽ được Sở Công thương TPHCM tiếp tục duy trì. Sở sẽ theo dõi tình hình kinh doanh, nếu có sự thiếu hụt tạm thời hay giá cả tăng đột biến ở một số khu vực. Nếu tình trạng này xảy ra, Sở sẽ có những chuyến xe bán hàng lưu động kịp thời đưa hàng hoá tới để can thiệp giúp giá cả trở lại bình thường, tránh trường hợp kéo theo giá tăng ở các khu vực khác.
Ngoài ra, TP cũng triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp tăng sức mua, phục hồi sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đối với kế hoạch khuyến mãi của TP, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết đợt khuyến mãi tập trung sẽ kéo dài từ 15.11 đến hết tháng 12.
"Trước thời điểm cận Tết, TP cũng ưu tiên cho những đối tượng là lao động khó khăn, lao động có thu nhập thấp để tránh trường hợp họ bị bỏ rơi lại. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tập trung tổ chức những chuyến bán hàng lưu động phục vụ công nhân lưu động" - ông Phương cho hay.
Cụ thể, vừa qua Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), Linh Trung (TP.Thủ Đức) và sắp tới sẽ phủ hết các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hàng hoá đưa tới phục vụ cho công nhân là hàng bình ổn thị trường kết hợp khuyến mãi, giảm giá.