Chiều 28.5, trình Quốc hội dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự luật đã kế thừa các quy định hiện hành về các trường hợp, thẩm quyền quyết định, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế và tình hình hiện nay, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Cụ thể, tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm, và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
"Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự… Tuy nhiên để tránh việc lạm dụng, tùy tiện trong việc áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh", Bộ trưởng Công an nói.
Theo đó, dự thảo luật quy định chỉ tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ trong vụ án hình sự, dân sự, kinh tế nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc việc thi hành án…
Về áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử).
Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh về loại hộ chiếu này. Do đó, việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Dự thảo luật quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc: quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử…
“Việc sản xuất và phát hành để đưa vào sử dụng hộ chiếu điện tử là xu hướng tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay; vừa tạo thuận lợi, nhanh chóng cho công dân trong việc làm thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, khi xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu của Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét cấp thị thực, nhập cảnh các nước”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.