"Đang họp cũng nhận nhiều tin nhắn rác, cuộc gọi chào mua bất động sản"
Chiều 15.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định trong bối ảnh chuyển đổi số, kinh tế số có nhiều hình thức hoạt động mới nên việc đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng là cần thiết.
Ông Vũ Hồng Thanh dẫn thực tế các bên bán hàng hay yêu cầu người mua cung cấp thông tin, dẫn đến câu chuyện người tiêu dùng nhận nhiều tin nhắn rác gây phiền toái, thậm chí mua bán thông tin cá nhân. Ông đề nghị làm rõ luật có chế tài liên quan không.
“Nhiều khi đang họp phải nhận các cuộc gọi, tin nhắn rác liên quan bán bất động sản, hàng hoá này kia làm mất thời gian. Xử lý thế nào để bảo vệ thông tin mà bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ cung cấp, không để bị lạm dụng” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Thư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung đánh giá về bộ máy trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hợp lý hay chưa vì hiện đang được bố trí từ cấp cục đến phòng ở huyện. Bên cạnh đó, báo cáo thiếu số liệu cho thấy thời gian qua việc giải quyết tranh chấp diễn ra như thế nào trong khi hồ sơ đề cập cơ chế giải quyết tranh chấp chưa phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - khẳng định, đây là văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được nghiên cứu công phu, toàn diện, song nhiều điểm cũng cần làm rõ.
“Giá xăng giảm sâu nhưng giá cước, hàng hoá chưa giảm. Trách nhiệm doanh nghiệp cần tiếp thu và giải trình thế nào chứ nếu không sẽ không có tác dụng” - ông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.
Hài hoà lợi ích, không nặng 1 bên
Lưu ý nói đến tiêu dùng có tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho cá nhân, chủ thể tham gia quá trình này vừa có tổ chức, vừa có cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong luật hiện hành có cả tổ chức nhưng dự thảo lại chỉ đề cập cá nhân.
“Đây là sự thay đổi chính sách rất lớn. Hồ sơ có thuyết minh giải trình nhưng chưa đủ rõ” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Về quyền lợi người tiêu dùng, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề đâu là quyền, đâu là lợi ích và thiết kế các quy định đảm bảo hay chưa? Ngoài ra, dự thảo dường như chưa đề cập đến dịch vụ công, trong khi nội dung này liên quan rất lớn, thiếu yếu với người dân, người tiêu dùng như điện, nước, vệ sinh môi trường...
Xoay quanh quyền lợi người tiêu dùng có 3 bên: người tiêu dùng, bên cung cấp và quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát quy định cho mạch lạc, nguyên tắc là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng song hài hoà lợi ích, không nên nặng 1 bên, đừng đứng về một phía.
“Vấn đề đạo đức kinh doanh và văn hoá tiêu dùng được quy định thế nào; trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra sao. Người tiêu dùng thông thái, thông minh, văn hoá tiêu dùng thì bản thân phải tự bảo vệ mình một cách hợp lý, hợp pháp, song dự án luật chưa đủ rõ” - Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Đề cập tính tương thích của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định “quan trọng vô cùng” và nêu 10 điểm đề nghị ban soạn thảo làm rõ, liên quan từ Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về chất lượng sản, phẩm dịch vụ; quảng cáo; dịch vụ công; điều ước quốc tế, hợp tác quốc tế cho đến bảo vệ dữ liệu cá nhân...
"Dự thảo có hàm ý quy định một số nội dung khác Bộ luật Dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cụ thể là gì, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn thế nào phải được làm rõ. Rồi tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, tác động người tiêu dùng “tiền mất tật mang” hoặc nhận giá trị không tương thích với số tiền bỏ ra..." - Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.