Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà đã đọc Lệnh công bố 7 luật.
Cụ thể, đó là các Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam.
Tại kỳ họp 10, vào ngày 17.11, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức được thông qua. Với 16 chương, 171 điều, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Vào ngày 16.11.2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006. So với dự thảo trước đây, Luật đã bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV; bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm.
Trước đó, vào ngày 13.11.2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được thông qua. Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Ngày 13.11.2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội thông qua. Một trong những điểm mới đó là bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài bao gồm việc lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo cung cấp thông tin gian dối để lừa đảo người lao động, phân biệt đối xử, lợi dụng để thu tiền của người lao động trái pháp luật.
Luật thỏa thuận quốc tế đã được Quốc hội thông qua ngày 13.11.2020. Luật gồm 7 chương, 52 điều, có hiệu lực từ ngày 1.7.2021 và thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Với 93,15% đại biểu Quốc hội tán thành, ngày 13.11.2020, Quốc hội thông qua luật Cư trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021. Luật Cư trú năm 2020 có 07 chương, 38 điều và có một số nội dung mới; sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006.
Ngày 11.11.2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Biên phòng Việt Nam số 66/2020/QH14 với 94,61% đại biểu tán thành. Việc ban hành Luật Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.