Đổi mới, nhu cầu tất yếu
Phải khẳng định ngay rằng, việc đổi mới luôn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong tiến trình phát triển của lịch sử, để phù hợp với tình hình thực tiễn, bối cảnh mới, với sự tăng trưởng, phát triển nhanh chóng, vững bền của quốc gia, dân tộc.
Việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng bằng đường lối, chủ trương chính sách (nghị quyết) thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị cũng không có gì là ngoại lệ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) ghi rõ rằng: “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”.
Việc ghi rõ trong văn kiện nội dung như vậy có nghĩa rằng, trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là đòi hỏi cấp thiết.
Xin được nhắc lại rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là đổi mới tổng thể các phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng sử dụng để triển khai thực hiện cương lĩnh chính trị đối với Nhà nước và xã hội. Phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước.
Nhà nước chính là công cụ để hiện thực hóa cương lĩnh, nghị quyết, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Như vậy, có thể hiểu rằng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước chính là biểu hiện sinh động, là thước đo năng lực cầm quyền, lãnh đạo của Đảng.
Mới đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi rõ: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”… Ngay sau Đại hội XIII, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều công việc quan trọng, nhằm sớm đưa những quyết sách của Đại hội được quán triệt, lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân.
Một trong những công việc quan trọng là Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” trong 2 ngày, 27 và 28-3 vừa qua.
Với 67 điểm cầu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.300 điểm cầu cơ sở trên cả nước, lần đầu tiên trong lịch sử có một hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng được tổ chức sớm, sâu rộng đến vậy.
Lần đầu tiên, những đảng viên ở cơ sở được trực tiếp nghe các báo cáo viên là những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng truyền đạt những nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Sự đổi mới trong phương thức học tập, quán triệt Nghị quyết ấy không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp mỗi cán bộ, đảng viên có cơ hội nắm vững để thực hiện đúng đắn, cụ thể, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết trong quá trình công tác sau này, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao đời sống nhân dân, sự tăng trưởng, phát triển của mỗi đơn vị, địa phương, cũng như cả nước.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng, mặc dù nghị quyết của Đảng lần nào cũng rất hay, rất sát hợp, rất đúng thế nhưng việc tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống luôn là khâu yếu nhất. Vì vậy, rất cần thiết phải tổ chức thực hiện nghị quyết một cách thực chất, tránh hình thức, với những nội dung cụ thể, mới, cô đọng, phù hợp với tình hình cụ thể của đơn vị, địa phương, bộ ngành chứ không thể chung chung, dàn trải, toàn bộ mà không hiệu quả.
Có đổi mới trong việc tổ chức thực hiện, chỉ đạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống như vậy mới có thể biến những chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn của Đảng thành hiện thực, mới góp phần giúp đất nước phát triển nhanh, vững bền. Có như thế, vai trò lãnh đạo của Đảng mới được khẳng định, nâng tầm, chứ không chỉ là những điều hay thể hiện trên văn bản, trong nghị quyết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khắc phục những khuyết tật, hạn chế trong quá trình triển khai hiện thực hóa nghị quyết, tránh làm sai lệch chủ trương của Đảng vì động cơ kinh tế, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đồng thời, quá trình giám sát, phát hiện, xử lý sai phạm cần được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, với sự nêu gương đầy trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhiều thành tựu và điểm nhấn chất vấn
Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), điều dễ nhận thấy, được thừa nhận rộng rãi đó là có nhiều sự đổi mới với những dấu ấn đậm nét, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Các đại biểu, cử tri cho rằng, trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là: Nhiều đạo luật quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua; tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát; triển khai và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động Quốc hội…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XIV đã kế thừa, phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, đã luôn đoàn kết, sáng tạo, có những đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Đặc biệt, tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, sôi nổi trong các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội được cử tri quan tâm đều được cất tiếng nói trên nghị trường một cách đầy đủ, sâu sắc, hợp lý. Thậm chí, những phiên thảo luận tại tổ cũng như ở hội trường cũng hết sức trách nhiệm, xác đáng và đầy tính cảnh báo.
Ví như tại phiên thảo luận về công tác tư pháp, đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng vào sáng 7.11.2017, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) đề cập khá thẳng thắn, quyết liệt về vấn đề chống tham nhũng. Rồi ông kết luận rằng: “Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được nội xâm tham nhũng thì sụp đổ chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu khách quan mà không trách ai được, chỉ có thể trách chính chúng ta”.
Có thể khẳng định rằng, Quốc hội khóa XIV đã cải tiến, đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước. Sự đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được cử tri dõi theo và ghi nhận.
Đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, dân tộc. Điều này càng có cơ sở, khi theo dõi Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương vào chiều 15.4 vừa qua.
Chủ trị Hội nghị nhằm đề xuất, kiến nghị giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ 8 nhóm vấn đề đặt ra để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng, Nghị quyết Đại hội XIII trong văn kiện có nêu nhiều nội dung liên quan đến Quốc hội. Trong đó, có việc tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
***
Để khép lại loạt bài này, xin một lần nữa được nhấn mạnh rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, đối với Quốc hội nói riêng đã được Hiến định, được nhân dân đồng tình ủng hộ, giúp đất nước ta có những bước phát triển thần kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực suốt hơn 91 năm kể từ khi Đảng ra đời.
Không dừng lại ở đó, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, với Quốc hội nói riêng vẫn liên tục được nghiên cứu, đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đó chính là sự phản bác một cách hiệu quả các luận điệu, dã tâm, âm mưu thâm độc đòi phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đòi đặt hoạt động của Quốc hội ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
Từ cơ sở lý luận, thực tiễn lãnh đạo suốt hơn 91 năm qua, có thể khẳng định rằng chỉ có giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, Quốc hội nói riêng; mới có thể thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.