Chiều 28.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11.2020, từ 8 đến 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án. Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Bộ trưởng Giao thông vận tải cam kết, sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng nêu rõ, đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của nước ta, được ký kết vào năm 2008.
Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT.
Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TP. Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra. Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP. Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yếu tố an toàn khi đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. “An toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhất trí với ý kiến Bộ Xây dựng và VPCP, việc nghiệm thu công trình sau khi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước có ý kiến chính thức đưa vào sử dụng. Về bàn giao tài sản, do thời điểm bàn giao dự án chưa quyết toán công trình, giá trị bàn giao chưa được xác định, Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội thủ tục bàn giao tài sản dự án đúng quy định pháp luật.
Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên…, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỉ đồng (hơn 868 triệu USD).
Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỉ. Dự án này khởi công tháng 10.2011. Đến tháng 9.2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống. Tuy nhiên cho đến nay, tuyến đường sắt này vẫn chưa được đưa vào khai thác thương mại.