Sáng nay (21.2), tại Nhà Quốc hội, diễn ra Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc).
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các đại biểu là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo đoàn Đại biểu Quốc hội... của 25 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm cử tri và nhân dân cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.
Kết quả cho thấy, HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 người giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, gồm: 63 Chủ tịch, 114 Phó Chủ tịch; thành lập 227 Ban.
Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND cấp tỉnh ở một địa phương đã ban hành ít nhất là 35 nghị quyết. Đặc biệt có địa phương ban hành tới 190 nghị quyết (không kể các nghị quyết về công tác cán bộ), tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra...
Cụ thể, số nghị quyết được ban hành ở một số tỉnh như: Nghệ An (35), Lai Châu (38), Hà Nội (40), Tuyên Quang (46), Trà Vinh (58), Cao Bằng (59), Hà Nam (67), Tiền Giang (68), Đắk Nông (162), Gia Lai (179), Thừa Thiên Huế (169), Thanh Hóa (190), …
Theo đánh giá, HĐND cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động như coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp, nhất là các báo cáo thẩm tra. Tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp. Đề cao vai trò của Thường trực HĐND trong công tác phối hợp, điều hành kỳ họp, vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị của các Ban...
Trong định hướng phương hướng, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, theo bà Thanh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ của HĐND cũng như phương thức hoạt động.
Trước hết là rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, UBMTTQVN tỉnh.
Công tác tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND chủ động "từ sớm, từ xa" trong việc tham gia thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm, kỳ họp HĐND.
Công tác giám sát tổ chức theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam và Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố...