Khoan thư sức dân, miễn giảm khoảng 7.500 tỉ đồng mỗi năm
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được trình bày tại phiên họp 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1.1.2021 đến hết 31.12.2025). Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỉ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Ngày 24.5, trao đổi với phóng viên Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - cho hay, các báo cáo bổ sung về kinh tế xã hội cũng như báo cáo về việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy chỗ dựa vững chắc của nền nông nghiệp.
“Thủ tướng cũng nêu một vấn đề mà mọi người đều rất tâm đắc chính là việc qua đợt dịch mới càng thấy hơn những giá trị to lớn của nông nghiệp. Nông nghiệp chính là một trong những chỗ dựa vững chắc của toàn xã hội không chỉ ở đất nước ta mà cả trên thế giới” - ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, việc đặt vấn đề chính sách miễn thuế đất nông nghiệp có thể nói là thực hiện đúng như di chúc của Bác Hồ và đó cũng chính là biện pháp khoan thư sức dân.
“Việc thu từ thuế đất sử dụng nông nghiệp không phải quá cao so với tổng nguồn thu nhưng điều đó lại có ý nghĩa lớn với người nông dân. Việc này giúp họ được giảm áp lực, giảm gánh nặng và quan trọng nhất là họ có được niềm vui. Khi đó họ được củng cố lại đời sống tinh thần cũng như sản xuất, đây cũng là chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Bản thân con em người nông dân cũng có điều kiện tiếp tục tham gia vào các chu trình sản xuất khác, đó cũng là có những đóng góp cho đất nước” - ông Nhưỡng nói và cho rằng, việc kéo dài chính sách miễn thuế nông nghiệp này thực sự mang lại nhiều ý nghĩa và lợi ích cho người dân.
Cần xây dựng một chính sách dài hạn để phát triển nông nghiệp
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, với chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian dài loại thuế này được miễn, giảm. Tới đây, chúng ta cần xem xét lại có nên thu hay vẫn tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Ông Thịnh cho rằng, sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua là bấp bênh, phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên người nông dân rất vất vả. Đặc biệt là hạn mặn trong các tỉnh thuộc Đông bằng Sông Cửu Long, nên người nông dân lại càng khó khăn.
“Mặc dù đóng thuế là hợp lý, là nghĩa vụ nhưng cần xem xét để tạo cho người nông dân có sự tích lũy. Từ đó, người nông dân tập trung sức lực để thay đổi. Đặc biệt, chính sách có ý nghĩa rất lớn đối ngành Nông nghiệp và hỗ trợ nông dân gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra khó lường” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng phân tích nhiều ý nghĩa quan trọng của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với người dân. Chính sách này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Mặt khác, chính sách cũng sẽ góp phần động viên, hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng quy mô, hiện đại hoá nền nông nghiệp.
Tiếp thêm sức cho người dân Đồng bằng Sông Cửu Long chống chọi với hạn mặn
Theo Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An), về sản xuất nông nghiệp, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn hơn, sẽ khiến nông nghiệp toàn vùng không còn trù phú, việc cải thiện sinh kế và tạo việc làm cho nông dân trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp càng cần thiết và có ý nghĩa hơn nữa đối với ĐBSCL. Việc này cũng góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.