Nhiều văn bản, chính sách bộc lộ khiếm khuyết
Sáng 11.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) về bài học cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hết sức cố gắng, tuy nhiên qua dịch bệnh vẫn nhìn thấy một số điều chắc chắn phải điều chỉnh.
Theo ông, về thể chế, khi áp dụng, vận hành ứng phó, nhiều văn bản, chính sách bộc lộ khiếm khuyết. Bình thường, những vấn đề này có thể vẫn tồn tại nhưng chưa đến mức gay gắt. Giai đoạn dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng lớn hơn.
Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng nhìn nhận cần hoàn thiện hơn nữa khả năng ứng phó với trạng thái khẩn cấp bằng nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần của ngành. Theo đó, chính sách hỗ trợ văn bản hướng dẫn thời gian tới cần thực tế hơn.
"Dịch bệnh cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là vấn đề tự học, phải tăng cường rất nhiều", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Với vấn đề tăng cường chất lượng dạy và học trong thời gian tới, bộ sẽ đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Bởi trong 716 quận huyện trực thuộc, hiện có 350 quận, huyện áp dụng dạy học trực tiếp và 316 đã đi học trực tiếp.
"Nhóm đang học trực tiếp bình thường thì cần giải pháp tăng chất lượng riêng, nhóm chuẩn bị đưa học sinh quay lại trường, nhóm có thể phải tiếp tục học trực tiếp cần có những giải pháp khác. Đây là chủ đề lớn nên sẽ trả lời lồng ghép vào câu hỏi của các đại biểu tiếp theo", Bộ trưởng nói.
Xây dựng chương trình học cốt lõi
Về câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ) liên quan đến vấn đề học trực tuyến nhưng vẫn dùng chương trình trực tiếp, ông Sơn cho biết không bê nguyên từ giáo án bình thường vào giảng dạy. Bộ đã văn bản 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giảm phục vụ việc học trực tuyến. Về việc tinh giản chương trình, các năm 2019, 2020, bộ đã 2 lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Riêng năm học 2021-2022 đã thêm một lần nữa rà soát nhưng được xác định có tính chất cốt lõi chứ không phải chỉ rút gọn. Đối với các địa phương đang học trực tiếp sẽ dạy trước các nội dung đúng theo chương trình cốt lõi. Nếu vẫn tiếp tục an toàn sẽ quay lại củng cố và mở rộng nội dung.
Với những nơi dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi, nếu được trở lại trường học sẽ học mở rộng thêm. Các nội dung kiểm tra, đánh giá sẽ dựa trên chương trình cốt lõi này, không phải bê nguyên chương trình như cũ vào dạy trực tuyến.
Trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, những vùng miền phải tiếp tục dạy học trực tiếp cần củng cố, tăng cường hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng truyền hình cần tiếp tục thực hiện.
Ông Sơn cho biết, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng các thông tư hướng dẫn của bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung, chương trình giảng dạy. Từ đó tăng cường hỗ trợ tâm lý, tư vấn sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh. Bộ Giáo dục cũng sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp tình hình.
Ngay sau câu hỏi của bà Ánh, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) nêu vấn đề, giáo dục qua mạng ngày càng phát triển, Bộ có giải pháp gì cho việc này?
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, việc phát triển đào tạo qua mạng đã được triển khai ở các cấp độ, quy mô, hoạt động trong suốt thời gian vừa qua. Tương lai thế giới cũng đặt ra mô hình đại học ảo, đào tạo từ xa, trực tuyến. Đây là tất yếu mà quá trình chuyển đổi số và công nghệ đào tạo của thế giới hướng đến. Bộ đang chuẩn bị về cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực, các mô hình thí điểm. Đây là công việc của tương lai, nên cần có sự chuẩn bị.