Gần 1,9 triệu học sinh không có thiết bị học tập
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo sáng 11.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay học trực tuyến là biện pháp ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng, không phải 1,5 triệu em mà chính xác là 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học. Do đó, giải quyết vấn đề này cấp bách hơn là đánh giá xem các cháu học được gì từ chương trình trực tuyến.
Bộ trưởng cho biết, học trực tuyến là giải pháp thách thức, nên chất lượng không như học trực tiếp. Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường. Đồng thời, ông cũng lưu ý các trường "không đưa các em ra đánh giá ngay.
"Chúng ta đừng căng thẳng quá, đầu tiên phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng chống dịch, rồi sau đó mới bắt đầu. Không nên nhồi nhét, đặt vào tay các em các phiếu đánh giá, khảo sát. Việc cân đo đong đếm còn ở phía trước", Bộ trưởng nói.
Trong nhóm giải pháp củng cố kiến thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói cần căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi. Bộ sẽ không bỏ các bài giảng trên truyền trình, chương trình học trực tuyến. Khi học sinh quay lại trường, giáo viên có trách nhiệm đánh giá để phân ra theo nhóm, tùy theo khả năng từng em, vì một lớp khó có thể đồng đều như trước.
"Các cháu có thiết bị tốt, bố mẹ kèm cặp tốt thì tốt hơn, nhưng các cháu thiết bị phập phù có thể sẽ kém hơn", Bộ trưởng cho hay.
Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn
Bộ trưởng thông tin, lượng giáo viên cả nước đang thiếu hiện nay là trên 94.000, trong đó tỷ lệ hơn 1/3 là thiếu giáo viên mầm non. Đây là việc Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ đang có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết.
Năm 2019, hai bộ đã trình và được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 giáo viên cho 14 tỉnh, trong tháng vừa rồi đã trình tuyển thêm hơn 27.000 giáo viên để giải quyết một phần tình trạng thiếu giáo viên cho các bậc học.
Bộ trưởng cũng cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường. Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực.
Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài và cả những chuyện đau lòng đã diễn ra.
Toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu thay đổi chất lượng. Bộ GDĐT đã động viên giáo viên toàn ngành khắc phục khó khăn, cùng nhau ứng phó với dịch bệnh.
“Dịch bệnh đang dần kiểm soát, kinh tế và hoạt động xã hội dần phục hồi nhưng ngành giáo dục bắt đầu chặng đường mới. Hậu quả do dịch gây ra và việc khắc phục nó không phải một sớm một chiều với những ảnh hưởng lâu dài chưa thể đo đếm được như lỗ hổng về kiến thức, tác động lâu dài đến học sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.