Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Theo dự thảo này, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động này đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch.
Đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động xã hội từ thiện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị. Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản tiếp nhận và sử dụng cho mục đích xã hội từ thiện, lập báo cáo sau khi kết thúc đợt vận động theo quy định, đồng thời thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Lao Động về việc này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) - cho rằng, trước những yêu cầu của thực tiễn trong thời gian qua về hoạt động xã hội, từ thiện cần phải có thông tư hướng dẫn chế độ kế toán để các tổ chức, đơn vị, cá nhân áp dụng. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, giải trình được một cách rõ ràng các khoản thu, chi.
“Muốn minh bạch, rõ ràng phải có sổ kế toán, hạch toán, phải có báo cáo tài chính. Có như vậy mới thấy rõ được dòng tiền đến, dòng tiền đi, dễ dàng đối chiếu, kiểm tra có sự thất thoát hay không” - ông Long nói.
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, quy định về nguyên tắc kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện sẽ hạn chế việc thất thoát, gian lận trong quá trình thực hiện từ thiện.
"Khi hoạt động này được công khai, minh bạch, rõ ràng sẽ tránh được những "lời ong, tiếng ve", những lùm xùm về việc kêu gọi quyên góp từ thiện"
Cùng trao đổi về việc này, Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cho rằng, với mọi hoạt động trong xã hội đều phải cần có hành lang pháp lý để triển khai một cách thuận lợi, minh bạch đúng đối tượng.
Hành lang pháp lý này sẽ giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hơn từ quyên góp, vận động cho tới sử dụng, phân phối, thậm chí sau này có thể đánh giá hiệu quả được thực hiện một cách công khai và minh bạch.
Do vậy, khi các tổ chức, cá nhân, quyên góp, vận động và hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện cần phải được thực hiện một cách minh bạch. Minh bạch là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động này.
“Với những yêu cầu của Nghị định 93 và Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cho các hoạt động xã hội, từ thiện thì hoạt động quyên góp, vận động từ thiện sẽ được thực hiện một cách bài bản hơn. Đồng thời, các quy định này cũng đưa ra hành lang pháp lý với các quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch. Như vậy, hoạt động xã hội, từ thiện sẽ được triển khai chuẩn mực hơn”- đại biểu Đôn Tuấn Phong nêu ý kiến.