Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, GDP tăng trên 8%

Phong Nguyễn |

GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, vượt qua tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraina và lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn.

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng bất chấp thế giới nhiều bất ổn

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng kết quả đạt được đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của toàn nền kinh tế, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Thông tin về kết quả đạt được trong năm 2022 đầy biến động, TS Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết: Với những kết quả đạt được về tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa… cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trở lại. GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Với chính sách điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ cũng như nỗ lực của doanh nghiệp (DN) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%) trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường.

“Đây là kết quả của chính sách điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ và các cơ quan tham mưu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động tác động không nhỏ tới các nước có độ mở lớn; trong tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực Châu Âu và Mỹ” - TS Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Một số chính sách hiệu quả nhằm giảm áp lực lạm phát như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1.2.2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…

Giải pháp để tăng trưởng kinh tế trong năm 2023

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.

Những kết quả này có được là nhờ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển, chủ động tích cực hội nhập đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa hợp tác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bước sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những “điểm nghẽn” phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển, huy động tối đa nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sự tham gia của người dân, DN nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 5 năm 2021-2025 mà Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra, cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023, trong đó, cần tập trung giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống dịch bệnh; ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác phù hợp với tốc độ phục hồi nền kinh tế, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động; thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu)…

Bộ Công Thương cũng xác định, để tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo có nhiều khó khăn hơn bởi sức ép lạm phát, bất ổn chính trị..., thì giải pháp trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, cần rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những quy định, chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành...

Phong Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng phục hồi kinh tế nhanh nhưng chưa đồng đều

Thuỳ Trang |

Kinh tế Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Du lịch dịch vụ vẫn đóng vai trò chủ đạo, trong khi ngành công nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế... Đó là thông tin từ  kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Đà Nẵng, khai mạc ngày 13.12.

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ra Tuyên bố chung phục hồi kinh tế

Khánh Minh |

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện.

Kiên Giang tăng tốc các giải pháp phục hồi kinh tế

NGUYÊN ANH |

Trên đà phục hồi và phát triển khá, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, Kiên Giang tiếp tục triển khai các giải pháp để hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, đảm bảo yêu cầu phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

TPHCM phục hồi kinh tế ngoạn mục sau dịch COVID-19

MINH QUÂN |

TPHCM -  Trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19, TPHCM đã có nhiều điểm đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Triển khai hiệu quả gói phục hồi kinh tế - xã hội, hỗ trợ người lao động

PHẠM ĐÔNG |

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh nội dung cần thảo luận như triển khai có hiệu quả gói phục hồi kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt, nhất là các dự án có tính liên vùng, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động.

3.700 cột điện bị gãy đổ và bữa cơm "cheo leo" giữa lưng trời

Cường Ngô |

Gần 3.000 cán bộ công nhân ngành điện đã cùng chung sức đồng lòng, nỗ lực từng giờ, từng phút để khẩn trương cấp điện trở lại cho Quảng Ninh.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.