Kỷ vật của những người anh hùng

Vân Anh |

Từng kinh qua lửa đạn với nhiều chiến tích oai hùng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - lưu giữ bên mình nhiều hiện vật chiến tranh đã lưu dấu một thời hào hùng của những người lính thế hệ ông cũng như quân dân cả nước. Có vinh dự trò chuyện cùng ông giữa tất bật cho những hoạt động tri ân cùng đồng đội, tôi đã cảm nhận được sự ấm áp, hào sảng toát ra từ chất giọng nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Rõ ràng, chỉ những người đã từng đi ra từ “cửa tử” như ông mới có thể hiểu, diễn đạt và truyền cảm về cuộc sống, về chiến tranh, về tình yêu và cả tình người sâu sắc đến thế.

Từ tấm vải dù nhuộm máu

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dải đất miền Trung đầy nắng gió như được tưới thêm lửa đạn, nơi đâu cũng ngùn ngụt lửa bom, đạn pháo của cả hai phía. Riêng tuyến đường từ Dốc Miếu - Cồn Tiên - Đường 9 - Sa Mưu - Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị, địch bị quân giải phóng vây ráp thành từng khu như thế cài răng lược. Do không thể tiếp tế thức ăn, đạn dược bằng đường bộ, địch đã dùng trực thăng thả dù tiếp phẩm cho đồng bọn. Pháo phòng không của ta bắn liên hồi để ngăn chặn nên có nhiều kiện hàng bọn chúng thả chệch khỏi điểm rơi theo dự tính ban đầu. “Một trong những bưu phẩm lạc địa chỉ ấy là mảnh dù hoa mà trung đội chúng tôi vô tình thu được”, ông nói.

Cả trung đội thống nhất sẽ chia chiếc dù cho 18 người mang theo bên mình phòng khi cần đến. Trong cuộc chiến giành giật từng điểm chốt, từng vạt rừng với địch khi ấy, dù hoa là một vật có nhiều công dụng. Khi hành quân, lúc trinh sát tình hình, dù hoa với ba màu xanh lục, xanh lá mạ và trắng nhạt trở thành vật ngụy trang hữu hiệu. Về đêm, dù được trải trên lá cho bộ đội ngả lưng, hoặc quấn thành chăn đắp trong đêm sương lạnh. Mỗi đợt quân địch thả chất độc CS (chất độc thần kinh làm hắt hơi, sổ mũi, váng vất, chóng mặt), chỉ cần dùng mảnh dù nhúng vào nước rồi bịt lên mũi sẽ hạn chế ảnh hưởng của chất độc. Dù còn dùng để quấn vết thương thay cho băng y tế. Và với những người lính trận, ra đi không hẹn ngày về thì mảnh dù sẽ được thay cho bao tử sĩ, cùng người lính về đất mẹ...

Bắt được chiếc dù quý hóa như thế, cả trung đội đã chụm đầu bàn bạc xem nên làm điều gì đó để ghi dấu lên mảnh dù. Bàn đi tính lại, mọi người mới quyết định thêu dòng chữ “Đường 9", “Quyết thắng”, “ Giải phóng” và tên chủ nhân của chiếc dù lên trên lằn gân của múi dù. Múi dù của người nào thì tự người đó viết chữ. Đồng chí Thuấn, tiểu đội trưởng, người Nghệ An, vốn khéo tay nhất trung đội được phân công đảm nhiệm việc thêu dù. Mảnh dù thêu hoàn chỉnh được chuyền tay nhau ngắm nghía. Đường thêu móc xích được thực hiện bằng đôi tay đàn ông nhưng vẫn khéo từng đường kim mũi chỉ.

Câu chuyện đáng lẽ sẽ vẫn tiếp tục với ăm ắp kỷ niệm, nhưng chợt như có một nỗi đau nào cắt ngang dòng suy nghĩ, vị tướng chùng giọng, ấp mảnh dù vào ngực và nói như thổn thức: “Mười tám mảnh dù, nay chỉ còn mảnh duy nhất này còn ở dương gian, mười bảy mảnh kia nằm lại rải rác trên khắp các chiến trường từ Quảng Trị vào đến Sài Gòn. Tôi còn nhớ rất rõ gương mặt đồng đội tôi ngày ấy. Dũng, Tụng, Độ, Hùng, Lai... tất cả đều còn rất trẻ...”.

Lần theo từng dòng chữ trên tấm dù đã bị đạn pháo bắn vào xé thành bảy nốt khi được treo ngụy trang trước cửa hầm trong lần vây ép cứ điểm Cồn Tiên, mảnh dù còn đang thêu dở, chỉ có bốn chữ “Đường 9” và “Quyết thắng” là xong, còn năm chữ “Nguyễn Huy Hiệu” và “Giải phóng” thì vẫn còn nguyên nét mực. Mảnh dù này đã theo vị tướng qua bao mùa chiến dịch, từ Mậu Thân đến Đường 9 Nam Lào, chiến dịch năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Nguyễn Huy Hiệu trở ra Bắc. Ông đã gửi mảnh dù cùng cuốn sổ ghi chép cá nhân nhờ mạ Toàn ở Lệ Thủy (Quảng Bình) cất giữ. Hai mươi năm sau trở lại, người mẹ già của vùng cát trắng gió Lào vẫn cẩn thận lưu giữ, tỉ mẩn lấy từ gác bếp xuống đưa lại cho ông. “Mạ đã giữ gìn nó suốt hai mươi năm, dù người gửi không hẹn ngày lấy lại”, ông nghẹn ngào nói. Và cuốn sổ tay ấy đã giúp ông cùng đồng đội tìm được hài cốt nhiều liệt sĩ của đơn vị đã hy sinh trên đường Nam tiến.

Đến tấm bản đồ vinh quang

Đêm ngày 29.4.1975, theo kế hoạch tác chiến, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải) đã tiến về Búng Lái Thiêu để tiến vào cửa ngõ Sài Gòn theo trục đường 13, còn được gọi là đường Đại Hàn, qua Gò Vấp vào Sài Gòn. Mệnh lệnh của trên chuyển xuống là phải tấn công thần tốc, táo bạo, đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn, mở đường cho quân ta vào giải phóng thành phố.

Giữa tình thế cấp bách ấy, thì điều làm cho ban chỉ huy trung đoàn hết sức băn khoăn là gần 2.000 cán bộ chiến sĩ chưa một lần đặt chân đến Sài Gòn. Họ có  ít thông tin về tình hình địch, đặc biệt là đường sá các khu vực cơ động trong quá trình tác chiến. Ngay đêm đó, giữa làn mưa xuân nhè nhẹ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu hội ý nhanh cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và đã quyết định cùng tổ trinh sát đi bắt liên lạc với cơ sở.

Tới sát căn nhà lá, một chiến sĩ khẽ gõ vào vách lá và phát mật danh của chiến dịch: "Hồ Chí Minh". Ắng lặng chừng một phút, trong nhà vẳng ra lời đáp: "Muôn năm". Rồi cánh cửa đan bằng lá dừa nước khẽ dịch mở, một bà má người miền Nam đón họ vào nhà. Nhận đúng cơ sở mật, Trung đoàn trưởng Hiệu đề nghị má cho biết tình hình địch và địa hình, đường đi vào đô thành. Má Sáu Ngẫu khêu to ngọn đèn, đeo kính và nhìn rất lâu vào tấm bản đồ do anh Hiệu trải sẵn trên bàn rồi nói: "Bản đồ này má không quen, để má lấy bản đồ dô thành Sài Gòn của má!". Má bảo, đó là tấm bản đồ má đã tự mình ghi chép trong những năm tháng má hoạt động trong vùng địch và đã bổ sung thêm những chi tiết mới gần đây nhất. Tấm bản đồ được ghi thật chi tiết, nắn nót với nét chữ thật đẹp khiến tổ trinh sát có thể dễ dàng so sánh với thực địa.

Tướng Hiệu thuật lại từng lời má Sáu Ngẫu đã nói như thể sự việc đó mới diễn ra chưa lâu: "Má chỉ cho chúng tôi các trục đường, các vị trí đóng quân của địch và cho biết tình hình quân số và vũ khí của địch. Má dặn rõ các vị trí trong khu vực được cấu trúc kiên cố liên hoàn, ngoài có nhiều lớp dây thép gai, xen kẽ mìn chống bộ binh. Cần đặc biệt chú ý khu vực ngã ba Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước... địch gài mìn, chất đầy chướng ngại vật. Riêng cầu Sắt Sài Gòn rất hẹp, xe tăng ta khó qua được...".

Thế rồi, tấm bản đồ má trao đêm xuân ấy đã giúp Trung đoàn 27 đập tan tuyến tử thủ bắc Sài Gòn vượt cầu Vĩnh Bình nhanh chóng làm chủ Lái Thiêu, đánh chiếm Gò Vấp, khu hậu cần kỹ thuật của quân đội Sài Gòn với 13 mục tiêu quan trọng như: Căn cứ truyền tin, Lục quân công xưởng Gò Vấp, Tổng kho quân nhu, Trung tâm tiếp huyết, Tổng kho dự trữ nhiên liệu, Bộ chỉ huy thiết giáp, Tổng y viện Cộng Hòa..., và kịp thời phối hợp với các đơn vị đánh chiếm nhiều mục tiêu trong thành phố.

Tấm bản đồ và bức ảnh chụp má Sáu Ngẫu trao bản đồ cho tổ trinh sát năm xưa hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trên ngôi mộ của má nằm giữa bạt ngàn vườn cây trái Lái Thiêu là tấm bia do chính tay thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đặt mang dòng chữ: "Trung đoàn Triệu Hải, Đại đoàn Đồng Bằng, ghi công má đã dẫn đường cho trung đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh", để tỏ lòng tri ân bà má miền Nam trung hậu, kiên cường.

Bên chén trà ngát hương và những cuốn sách bàn về nghệ thuật quân sự, vị tướng ngồi trước mặt tôi vẫn giản dị như người lính trẻ đánh thành cổ Quảng Trị năm nào, kiệm lời và tránh nói quá nhiều về mình. Nhưng cho dù ông không nói, thì trong lực lượng cựu chiến binh và bà con vùng Lái Thiêu (Bình Dương); Tam Điệp (Ninh Bình); Hải Hậu (Nam Định), (Lạng Sơn) và nhiều miền quê khác vẫn còn truyền mãi những câu chuyện về tấm lòng nhân ái, sống ăm ắp nghĩa tình với đồng bào, đồng đội của ông.

Hiện nay, dẫu không còn gánh nặng trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, song với vai trò là một “lưỡng quốc” Viện sĩ, tiến sĩ về khoa học quân sự cũng như sự cống hiến cho nghệ thuật Quân sự nước nhà và những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, ông được Viện hàn lâm khoa học Quân sự Liên bang Nga bầu là Viện sĩ chính thức. Như vậy, ông là Viện sĩ nước ngoài đầu tiên được bầu về nghệ thuật Quân sự của nước Nga anh hùng. Những kỷ vật vô cùng giá trị mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tặng lại cho Bảo tàng Quân sự Việt Nam đã và sẽ đang kể tiếp những câu chuyện về những con người anh hùng của một dân tộc anh hùng, đã chiến đấu và hy sinh như thế.

Vân Anh
TIN LIÊN QUAN

Những kỷ vật trong chiến thắng Điện Biên Phủ sống mãi với thời gian

Đông Phạm - Vương Trần |

Ngày 7.5.1954 là ngày  đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược, là mốc son chói lọi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, những kỷ vật trưng bày tại phòng chiến thắng Điện Biên Phủ đã kể lại chiến thắng vang dội trong lịch sử Việt Nam.

Kỷ vật kể chuyện tình yêu nơi tọa độ lửa

ANH ĐỨC |

Đồng Lộc được biết đến là tọa độ lửa, mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày toàn thắng. Nơi đây gắn liền với sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) trong lúc san lấp hố bom, thông xe ra tiền tuyến.

Những kỷ vật xuyên thế kỷ mang tới lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường THPT Marie Curie

Anh Nhàn - Anh Tú |

Ngày 17.11, hàng trăm giáo viên, học sinh nhiều thế hệ của Trường THPT Marie Curie đã có buổi gặp mặt đầy xúc động nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường. Những kĩ vật “có 1 không 2” còn lưu giữ được chuyền tay nhau đầy trân trọng.

Giá vàng hôm nay 5.10: Vàng nhẫn bán được giá hơn vàng miếng

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 5.10: Giá vàng nhẫn trơn tiếp tục tăng mạnh. Giá mua vào vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC.

Doanh nghiệp xây dựng trái phép 2.800m2 không bị xử phạt

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu lâm sản Tám Oanh (huyện Diễn Châu) xây dựng trái phép trên diện tích 2.800m2.

TPHCM xây cầu đi bộ gần 1.000 tỉ đồng nối Quận 1 - Thủ Thiêm

MINH QUÂN |

UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, nối Quận 1 - Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Ninh Bình vẫn “nằm trên giấy”

NGUYỄN TRƯỜNG |

Chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân và NƠXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án NƠXH tại Ninh Bình vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Hà Nội xử lý thực phẩm mất an toàn vệ sinh bủa vây cổng trường học

Lệ Hà |

Những loại thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường luôn tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh.