Lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì siết lại quá
Theo đó, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Thứ nhất về dòng tiền, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, điều hành tín dụng của chúng ta là có vấn đề, lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết lại quá, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn.
"Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, đấy là việc rất đáng lo ngại. Bán theo giá nào, hiện nay bán có 50% giá thực. Người mua là ai, người mua toàn là nước ngoài.
Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ. Cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế", ông Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Tiếp đó, vấn đề thứ hai của doanh nghiệp, tức là các thủ tục đầu tư hiện nay không làm hoặc phải mất khoảng 2 năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất một năm, các doanh nghiệp không thể làm được. Người ta đã lo ngại như thế, kinh tế đã khó khăn như vậy nhưng tinh thần giải quyết công việc không có, cho nên rất khó.
Thứ ba, môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới.
Bộ đã giao cho Viện Quản lý kinh tế Trung ương là đơn vị chuyên theo dõi vấn đề này đang tổng rà soát lại xem các văn bản của các bộ, ngành cái nào trái quy định, cái nào đi ngược với các quy định của luật pháp, hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp.
"Chỗ này chúng tôi đang làm, đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, làm cản trở và làm ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế hiện nay. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục tham mưu để có những giải pháp phù hợp hơn, sát, đúng hơn để làm sao kinh tế của các quý sau sẽ có thể tiếp tục phục hồi và phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, mục tiêu 6,5% thì Bộ rất lo ngại. Bộ đã báo cáo nhiều lần kịch bản muốn đạt được 6,5% thì các quý sau tăng trưởng phải rất cao, phải xấp xỉ khoảng 8%, mà như vậy rất khó. Tuy nhiên Chính phủ đang để mục tiêu này để giữ, để phấn đấu.
Quy định mới về phòng cháy chữa cháy vượt cả nước phát triển
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
"Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ”, ông Thanh nêu.
Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế, nhiều công trình đã được đầu tư theo phương án cũ bảo đảm quy định tại Nghị định số 97/2014/NĐ-CP, có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng, nay nếu thẩm định để tuân thủ những quy định mới được ban hành tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ phát sinh nhiều vướng mắc.
Chẳng hạn, phải chỉnh sửa cả kết cấu công trình có thể làm suy giảm tuổi thọ, hay là lắp thêm những đường ống dẫn nước để giúp khả năng dập tắt đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn cũng cần đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng trong căn nhà không chỉ làm suy yếu kết cấu mà còn gia tăng chi phí xây dựng…
Cùng với đó, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy được ban hành không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam. Chính vì không nghiệm thu được công trình mới, sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa.