Ngày 20.5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019.
Theo báo cáo này, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại. Trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành; các định hướng lớn về thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được triển khai.
Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, như việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế… ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh và giá thực phẩm có khả năng tăng. Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội.
Về vốn đầu tư toàn xã hội, cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục dịch chuyển với đóng góp lớn của khu vực kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã và đang đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cảng hành khách quốc tế, hàng không, sân bay, bệnh viện, sản phẩm công nghệ cao...
Tuy vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp. Việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc. Các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP, nhất là dự án BOT, BT ngành giao thông đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, từ ngày 20.3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%. Phản ánh sau đó, nhiều hộ gia đình cho biết hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba so với trước điều chỉnh giá.