Hà Nội cần "đột phá cách mạng" để cải tiến cách phục vụ doanh nghiệp
Chiều 3.7, HĐND TP Hà Nội thảo luận tại các tổ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách của thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, cập nhật kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách năm 2022...
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) nhìn nhận, hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn. Trong khi đó thành phố mong muốn 6 tháng cuối năm sẽ tăng tốc phát triển để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo đại biểu, nếu nhìn vào các chỉ số PCI, PP giảm. Họ cho biết sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp với các chính sách của thành phố kịp thời hay chưa, có hay hay không, có tốt hơn năm trước chưa thì thẳng thắn là chưa.
Theo đại biểu, trong những lúc khó khăn như này thì sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Trước tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, thành phố cần có cuộc "đột phá cách mạng" để cải tiến cách phục vụ doanh nghiệp. Có thể có một hội nghị "Diên hồng" với từ 20-30 đầu mối doanh nghiệp có năng lực để gặp gỡ, tham gia ý kiến, đề xuất sáng kiến cho thành phố.
"Tôi rất mong rằng Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong việc hướng về doanh nghiệp", đại biểu đề nghị.
Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, Hà Nội hướng tới việc xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên thành phố thông minh thì không thể ùn tắc giao thông, ngập úng, ùn ứ rác thải, môi trường cứ thế này thì thông minh gì.
Vì vậy đại biểu cho rằng thành phố cần mạnh dạn sử dụng tư vấn nước ngoài, học hỏi những nước đi trước có năng lực. Đại biểu cho rằng chi phí này sẽ không bằng tốn kém về sau nếu để quy hoạch manh mún, triển khai không đâu vào đâu.
Đại biểu Nguyễn Văn Luyến (tổ Đan Phượng) cho biết, hiện nay những doanh nghiệp trong thành phố gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Họ có nhiều vướng mắc về pháp lý, giải phóng mặt bằng... khiến thời gian qua Hà Nội có rất ít dự án mới được triển khai dù nguồn cầu khá nhiều.
Ngoài ra, với lĩnh vực thi công xây lắp cũng gặp phải sự leo thang về giá cả, đứt gãy chuỗi cung ứng... khiến doanh nghiệp triển khai chậm tiến độ. Do đó, thành phố cần chỉ đạo các sở ngành bám sát đơn giá, cập nhật giá thị trường để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
"Quy hoạch thì người dân biết và thành phố cũng hứa rất nhiều"
Ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, nếu 2 năm tới phân bổ mà hết vốn đầu tư công trung hạn thì chỉ tiêu nhiệm kỳ về tăng trưởng kinh tế cũng hoàn thành, thành phố sẽ có hạ tầng đồng bộ, một số vấn đề bức xúc dân sinh sẽ được giải quyết.
"Cần có sự nhìn nhận đánh giá của người dân, người dân không quan tâm đến nhiệm kỳ mà chỉ quan tâm là mong muốn nguyện vọng của tôi được hay chưa.
Chúng ta là cơ quan Nhà nước, cứ đánh giá sơ kết nhưng thực tế người dân không quan tâm chuyện nhiệm kỳ lắm", ông Thanh nói và cho rằng, người dân chỉ quan tâm các vấn đề của Thủ đô đã giải quyết được chưa.
Theo đại biểu, để thay đổi và để người dân cảm nhận được sự chuyển biến từ phúc lợi đến hạ tầng, bức xúc dân sinh được giải quyết thì cần cố gắng rất nhiều.
Ông Thanh nhắc lại vẫn là những vấn đề muôn thuở nói đi nói lại như ô nhiễm môi trường, giao thông, nước sạch, rác thải, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách đất đai, loanh quanh vẫn là từng đấy nội dung.
Về vấn đề xử lý chất thải rắn trên địa bàn, đại biểu nhấn mạnh đang rất chậm, thành phố quy hoạch rất nhiều nhưng việc triển khai rất chậm, gần như đứng yên một chỗ. Hiện Sóc Sơn gánh chịu hơn 70% rác thải rắn của Thủ đô, người dân mong mỏi việc giảm tải bãi rác hơn 20 năm.
"Quy hoạch thì người dân biết và thành phố cũng hứa rất nhiều nhưng sức ép vẫn rất lớn và việc quản lý về mặt quản lý ngân sách là không hiệu quả", đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, với một bãi rác quá tải thì chi phí xử lý từ chôn lấp đến khắc phục môi trường tốn hơn rất nhiều so với một bãi mới. Hiện người dân Sóc Sơn rất mong mỏi và rủi ro đối với thành phố rất lớn vì trứng bỏ hết một giỏ, giỏ này thủng thì trứng vỡ hết.
"Câu chuyện môi trường ở đây còn là nguy cơ đối với người dân thành phố và qua mấy đợt người dân chặn xe ở bãi rác Nam Sơn, thì chúng tôi đã tính toán đến ngày thứ 6 nếu bãi rác không mở lại thì rác nhà ai để nguyên nhà đấy, tức là vỉa hè còn không có chỗ để.
Có thể 6 ngày trước còn vứt ra vỉa hè, bỏ ra ngoài ai dọn thì dọn nhưng đến ngày thứ 6 thì không còn vỉa hè mà để nữa. Và đến ngày thứ 10 thì rác chật cứng trong nhà, ngủ chung với rác. Đây là chuyện thật", đại biểu nói và cho biết đó là nguy cơ cực kỳ hiện hữu với thành phố.