Chính phủ kiến tạo, vì dân không chỉ nói bằng miệng mà phải bằng hành động. Những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV cũng như những chỉ đạo trong suốt thời gian điều hành Chính phủ cho thấy quyết tâm của Thủ tướng, tập thể thành viên Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và nhận được phản hồi tích cực từ dư luận.
Chính phủ hành động - Chính phủ “lắng nghe”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh: Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, không chỉ ở Trung ương mà ở tất cả các địa phương, đặc biệt là tại các cấp chính quyền cơ sở. Chính phủ hành động phải tăng cường công khai minh bạch chủ trương, chính sách để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và giám sát; đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ, tổ chức sai phạm, làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri cũng như gặp mặt doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định: Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động không chỉ nói miệng! Điều này đã được thể hiện bằng hành động qua hàng loạt cuộc gặp gỡ, trao đổi của Thủ tướng đối với các địa phương, các DN, doanh nhân, nhất là các DN khối tư nhân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, doanh nhân để từ đó tháo gỡ và tìm ra quyết sách.
DN và người dân đã dần tin tưởng và hy vọng cách điều hành quyết liệt, cụ thể, không né tránh của Thủ tướng sẽ tạo ra chất lượng mới của Chính phủ trong thực hiện những nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016-2021.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Thủ tướng đã có cái nhìn khá “trúng” vấn đề, nhìn thấy DN chính là nền tảng của tăng trưởng. Muốn tăng trưởng phải chú trọng DN. “Hành động” của Thủ tướng chính là gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe và tháo bỏ khó khăn, gỡ rào cản, tạo môi trường kinh doanh cho DN, khuyến khích, tạo niềm tin để DN đầu tư thêm, mở rộng và thúc đẩy phát triển.
Nghị quyết 35 chính là “điểm nhấn” trong hoạt động của Chính phủ. Cùng với đó là hàng loạt quyết sách mạnh mẽ, cùng với chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, giảm chi phí, tăng tỉ suất lợi nhuận, tăng tỉ suất thu lợi trên vốn trên tài sản, giải quyết những dự án thua lỗ…
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - VCCI, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta, biểu hiện rõ nhất là ban hành các văn bản thúc đẩy cải cách các chính sách về kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35... Cùng những chính sách quyết liệt trên là những hành động được hiện thực hóa bằng việc sửa đổi hàng loạt các văn bản pháp luật về kinh doanh, trong đó đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tinh giản và minh bạch các quy định về thủ tục hành chính.
Trong đó, việc Chính phủ huy động sự rà soát của VCCI và CIEM với 50 dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh vào cuối tháng 6.2016 là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm hành động của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
Chính vì vậy, Chính phủ kiến tạo chính là Chính phủ hành động, đưa ra nhiều quyết sách mới sát tình hình thực tế, phù hợp với DN, phù hợp với lòng dân, tạo niềm tin và hứng khởi. Với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận các chính sách về kinh doanh của nước ta hiện nay cần phải được rà soát thường xuyên, nhìn một cách tổng thể các quy định về kinh doanh, cụ thể hơn là các điều kiện kinh doanh để nhận diện các quy định bất hợp lý, cản trở đến quyền tự do kinh doanh của người dân, DN. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP về yêu cầu rà soát điều kiện kinh doanh hằng năm.
Chính phủ kiến tạo: Khuyến khích sáng tạo, thăng hoa ý tưởng
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để có được 1 triệu DN vào năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, phải phát triển cả về số lượng và chất lượng. DN muốn phát triển được phải có khát vọng, phải đổi mới và sáng tạo.
Chính phủ khuyến khích DN phát triển trên cơ sở sáng tạo, có tiềm năng chiến thắng trên thị trường chứ không phải bằng con đường thân hữu, quen biết, quan hệ... có như thế mới phát triển được kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng cao, bền vững.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để đạt được điều này, phải cải cách toàn diện, rộng rãi, triệt để và nhất quán. “Phải cắt bỏ 3.000 điều kiện kinh doanh một cách quyết liệt, mạnh bạo. Nên nhớ là “cắt bỏ” chứ không phải là “giảm thủ tục hành chính”.
Cắt bỏ triệt để những quy định vô lý, tập trung quy hoạch, củng cố lại những thủ tục còn lại cho hợp lý. Có như vậy mới tạo được đột phá, phá bỏ được sự trì trệ, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển bao nhiêu năm nay; phá bỏ cái cũ lạc hậu để thu hút nguồn lực, bừng nở ý tưởng, thăng hoa sáng tạo, từ đó đưa ra quy trình mới, cách làm mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới” - TS Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.
Để làm được điều này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, quyết tâm tháo bỏ những rào cản và xóa bỏ cơ chế “xin -cho” của Thủ tướng là hết sức đúng đắn và thể hiện quyết tâm cải tiến của Chính phủ. Xóa bỏ cơ chế xin cho, cải cách hành chính, đập tan sự trì trệ, bảo thủ trong hệ thống phục vụ sẽ cởi trói cho khu vực kinh tế tư nhân nhiều nhất, giúp DN có điều kiện đổi mới, sáng tạo, xóa bỏ kìm hãm, thúc đẩy, tạo điều kiện để DN phát huy năng lực, tạo niềm tin, hứng khởi để DN muốn làm, dám làm và làm được. Nhiều quy định “đúng luật” hiện nay đã rất lạc hậu và rất “phi thị trường”, nếu không xóa bỏ, sẽ không có DN nào dám làm, vì “nếu làm là phi pháp”, là “trái quy định”.
Chính phủ hành động muốn khuyến khích sáng tạo thì không thể tạo ra “vòng tròn an toàn” bằng những quy định bất hợp lý với “ma trận” hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã lỗi thời. “Nếu quy định, bó chặt thì cái mới không bao giờ xuất hiện sẽ triệt tiêu các ngành nghề mới, các công nghệ mới” - TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Chính phủ liêm chính, phục vụ nhân dân
“Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách” - ngay từ những ngày điều hành Chính phủ đầu tiên, Thủ tướng đã tuyên bố thẳng thắn điều này và nêu thực trạng báo động đỏ về tình trạng “những giấy phép con”, “những cây đinh dưới tấm thảm đỏ”… cần phải dẹp bỏ.
“Trên tinh thần tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách” - Thủ tướng đã tuyên bố như vậy tại một cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật hồi giữa năm 2016.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, việc thực hiện, tiếp cận phải đồng loạt, triệt để, trực tiếp, đồng bộ chứ không thể chỉ thay đổi một vài thứ, dù hoàn toàn không dễ. Chính vì vậy, Thủ tướng đã đặc biệt quan tâm các Nghị quyết 01, 19, 35 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đã thực sự được các cấp chính quyền quán triệt, triển khai đến đâu?
Vấn đề khởi nghiệp trong toàn dân, nhất là trong lớp trẻ, đã được triển khai như thế nào? “Chúng ta cần tự hỏi bộ máy của chúng ta đã phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp hay chưa?” - Thủ tướng đã nhiều lần nêu câu hỏi.
Để phục vụ nhân dân tốt hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng được yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu dân; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật.
Các cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.