Ngày 6.1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Thanh tra năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ những khó khăn và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng với những kết quả đã đạt được của ngành Thanh tra trong năm qua.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, ngành Thanh tra cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ.
Ngành tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7.2023, trong đó khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn, đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.
Đồng thời triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2023 theo hướng trọng tâm, hiệu quả; tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
“Lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp; nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, ông Lê Minh Khái yêu cầu.
Một nhiệm vụ khác được Phó Thủ tướng nhấn mạnh đó là ngành Thanh tra tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả ý kiến kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, theo quy định, các kết luận, chỉ đạo.
Trong đó triển khai giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.
Cùng với đó, tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ... nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.
“Tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trước hết là sự gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Lê Minh Khái đề nghị.