Đây là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023 vừa được ban hành.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23.11.2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Bám sát tình hình, diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trong nước, chủ động phương án điều tiết phù hợp, triển khai chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống của nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Chính phủ yêu cầu tổ chức tổng kết công tác năm 2023, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 một cách thực chất, hiệu quả, phấn đấu bảo đảm đạt hoặc hoàn thành ở mức cao hơn các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Địa phương tập trung thúc đẩy đầu tư, xây dựng, thi công các tuyến đường giao thông, nhất là tuyến cao tốc đi qua địa phận tỉnh, thành phố
Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu bảo đảm hoàn thành giải ngân ở mức cao nhất kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo công ăn, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài.
Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Tăng cường rà soát, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Làm tốt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trên địa bàn, không để xảy ra "điểm nóng", gây bức xúc xã hội. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.2023 tăng 0,25% so với tháng trước. So với tháng 12.2022, CPI tháng 11 tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
Liên quan tới dự báo CPI tháng 12.2023, theo Bộ Tài chính, những yếu tố gây áp lực tăng giá vào dịp cuối năm, đó là: Giá các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng tháng tới dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng xu hướng tăng do nhu cầu thường tăng vào mùa đông và giai đoạn cuối năm trong khi nguồn cung đang bị siết chặt;
Ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ có thể tác động làm tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh cục bộ tại một số địa phương do thiếu hụt nguồn cung tạm thời;
Giá gạo xuất khẩu có thể tăng do nhu cầu thế giới tăng tại các thị trường truyền thống và nhu cầu chuẩn bị do dịp lễ Tết cuối năm; Giá quần áo may mặc thu đông có thể tăng nhẹ do thời tiết chuyển mùa lạnh tại miền Bắc; Nhu cầu hàng hóa theo quy luật thường cao hơn vào cuối năm để chuẩn bị cho công tác sản xuất, chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu lễ Tết.