“Bấu víu” vào chỉ đạo của Thủ tướng, DN mừng rơi nước mắt với cải cách hành chính
Phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy cơ chế một cửa do Thủ tướng chủ trì sáng 24.7, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, thời gian qua đã có một số cải cách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, “mà thậm chí có thể mừng rơi nước mắt vì bao nhiêu năm khổ vì nó đã được thay đổi”. Tuy nhiên, ông Cung cũng chỉ ra thực trạng dù trong 4 năm, số mặt hàng phải kiểm tra tương đối đã giảm được 4.000 mặt hàng (từ 82.000 xuống còn 78.000) nhưng một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm thủ tục có ít mặt hàng, còn một số nhóm có nhiều mặt hàng thì không cắt giảm.
“Nên nhiều khi có báo cáo bộ này bộ kia nêu cắt giảm phần lớn nhưng chưa chắc đạt mục tiêu vì số mặt hàng trong nhóm đó rất ít. Về kiểm tra chuyên ngành này còn vấn đề nữa là tình trạng một mặt hàng kiểm tra 2-3 bộ vẫn chiếm hơn 50%. Trong một bộ cũng tương tự, một mặt hàng đó có thể phải sự kiểm tra của 2-3 cục, chứ không phải là một cục. Điều này tôi cho rằng, nên nhanh chóng thay đổi” - chuyên gia này phân tích và cho biết DN còn rất kêu ca, phàn nàn về những chi phí bất hợp lý trong kiểm tra chuyên ngành.
Một thực trạng khác cũng được TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra là, việc kết nối cơ chế một cửa đang theo hướng “những thủ tục nào mất ít quyền ít lợi đi thì kết nối, còn những thủ tục mất nhiều quyền lợi thì không kết nối”.
Để cải cách hành chính đi vào thực chất, chuyên gia Nguyễn Đình Cung đề xuất cần nhanh chóng thay đổi thực trạng trùng lặp trong kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ, các cục trong cùng một bộ đồng thời cần có giải pháp triệt để về vấn đề quy phạm pháp luật thay vì chỉ dừng lại ở mức rà soát, nếu cần các bộ nên đề xuất sửa đổi luật và trong lúc chưa đổi được luật các bộ cũng cần xem xét sửa đổi các thông tư liên quan tới kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, ông này cho rằng cần có đường cơ sở để đánh giá về các thủ tục hành chính và kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng kết nối cổng thông tin một cửa với hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, DN cảng, hãng tàu… và nhận định cổng thông tin nên được chọn làm chính phủ số. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên đầu tư bằng ngân sách công mà chọn DN đầu tư và đầu tư cho tất cả chứ không để từng bộ, địa phương làm riêng rẽ. Theo chuyên gia này, có nhiều DN xung phong làm và để DN làm xong, làm tốt mới trả tiền.
Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, cộng đồng DN chỉ biết “bấu víu vào từng dòng chữ trong các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng”, trong khi đó khá nhiều bộ ngành lại rất ngại chuyện tham khảo ý kiến của cộng đồng DN khi xây dựng văn bản pháp lý và khẳng định, DN quan ngại nhất là chi phí thời gian vì thời gian là tiền bạc rồi tới sự ức chế khi làm việc với cơ quan chức năng và “ức chế nhiều lần sẽ làm mất niềm tin”. Đại diện này kiến nghị khi xây dựng các văn bản pháp quy các bộ, ngành cần có sự cầu thị lắng nghe tiếng nói của DN.
Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành không “ôm giữ” điều kiện không cần thiết
Từ các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần có tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá minh bạch và công khai; không ôm giữ những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Nghị định và Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW), tạo thuận lợi thương mại để sớm ban hành trong đó phải đề xuất cải cách mang tính đột phá sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ các tồn tại, bất cập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu bên cạnh tạo thuận lợi thương mại, cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập và không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.
Thủ tướng biểu dương sự cố gắng của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công Thương, GTVT, KHCN, NNPTNT, Y tế trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai NSW, ASW và “nhắc khéo” những bộ, ngành còn lại và nhận định bộ, ngành nào không được biểu dương là còn gây phiền hà cho sản xuất, kinh doanh, chưa thực hiện tốt chủ trương mà Chính phủ giao cho các ngành.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa, phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông qua. Thủ tướng kỳ vọng sau hội nghị này sẽ có chuyển biến mới về thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại.