Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ).
Tham dự diễn đàn về phía các vị khách mời có: Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế; Ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, Bộ NN&PTNT; Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Ông Trần Chí Dũng - Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA)…
Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có: Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM.
Diễn đàn đặc biệt có sự tham gia của các đại diện các đơn vị, cơ quan chuyên môn thuộc Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp; Trường ĐH Nông Lâm TPHCM; cùng các lãnh đạo các cơ quan sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ; các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp hội viên VCCI; Các nhà báo/phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao, do 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.
Ông Thành cho rằng, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, hoa quả,..
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế cho rằng, thuế GTGT hiện nay đang có một vài bất hợp lý với đầu vào của ngành nông nghiệp.
Gánh nặng lên ngành sản xuất nguyên liệu, vật tư đầu vào, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, rõ nhất là ngành sản xuất phân bón, xảy ra những hệ lụy: Sụt giảm dần vốn kinh doanh, không thể đầu tư mới, đầu tư mở rộng do đội vốn, tăng chi phí sản xuất do thuế GTGT đầu vào dẫn đến tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập, gánh nặng đối với nông dân khi giá bán bị đẩy lên, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước không thu được thuế khâu nhập khẩu, dẫn đến tính chung cả nền kinh tế chịu thiệt hại. Do đó, rất cần thiết sửa đổi sớm thuế GTGT đối với phân bón, vật tư, thiết bị đầu vào cho sản xuất nông nghiệp để khắc phục những bất hợp lý và thiệt hại nêu trên.
Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết, cần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương….
Cùng với đó, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngành hàng rau, hoa, quả tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, thúc đẩy sản xuất bền vững và tạo ra giá trị sản xuất cao.
Phát biểu tổng kết diễn đàn, nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn cho biết: Nông sản của Việt Nam là một trong những mũi nhọn hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế và nhiều mặt hàng có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam.
Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sẽ rút ngắn khoảng cách, gia tăng hiệu quả hoạt động từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, nhằm tạo ra giá trị hàng hóa nông nghiệp bền vững.