Năm nhuận khó cho cây trái
Dù dự đoán năm nhuận sẽ khó khăn cho cây trái, nhưng các nhà vườn ĐBSCL cũng không lường hết được chuyện thời tiết thất thường như năm nay. Ảnh hưởng của cơn bão số 12 mưa kéo dài và hiện nay lần đầu tiên ĐBSCL nhiệt độ xuống thấp. Có lúc xuống dưới 25 độ, khiến cho những loại cây trái miền nhiệt đới ra hoa, kết quả rất khó khăn.
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang cho biết, do thời tiết thất thường nên năm nay khó tìm được bưởi trái to để tạo hình.
Một số nhà vườn chuyên trồng trái cây tạo hình cũng rơi vào tình cảnh khó khăn do thời tiết bất lợi.
Trong khi đó, vườn quýt hồng, một đặc sản của Đồng Tháp, nhà vườn cũng gặp khó do thời tiết. Một số nhà vườn tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết, năm nay do những cơn mưa bất ngờ khiến cho nhiều nhà vườn trở tay xử lí không kịp, tỷ lệ rụng trái rất cao. Hiện số lượng quýt hồng vào chậu làm kiểng cũng khan hiếm, toàn huyện Lai Vung chỉ có khoảng 600 – 700 gốc. Số lượng này có thể sẽ ít hơn, vì cuối năm thời tiết sẽ có nhiều biến đổi.
Một số vườn xoài chịu cảnh trái cây chín trước tết.
Trước diễn biến thất thường của thời tiết, Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung khuyến cáo nông dân thường xuyên thực hiện kịp thời các biện pháp phòng bệnh, áp dụng phương pháp trẻ hóa vườn cây, chăm sóc kỹ để năng suất trái ổn định.
Cần chăm sóc tốt
Chăm sóc cây và trồng xen cây ngắn ngày sao cho bề mặt đất vườn cây ăn quả ít bị xói mòn, không bị chai cứng, giảm độ phì thấp nhất. Một trong các giải pháp tốt là trồng cây che phủ đất cho vườn cây ăn quả. Hiện nay, có một số loại cây họ đậu rất phù hợp cho che phủ đất như cây lạc dại, đậu lông, muồng hoa vàng… cũng có thể trồng cỏ ba lá, cỏ đuôi trâu vừa tạo mùn cho đất, làm xốp đất vừa tạo cảnh quan vườn quả đẹp.
Quản lý dịch hại: Việc kiểm soát sâu hại cây ăn quả trước hết cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như bắt bằng tay, bẫy bả, dùng thiên địch, sử dụng giống chống chịu, hệ thống canh tác phù hợp… Biện pháp phòng trừ hóa học được áp dụng cho các trường hợp sâu hại nặng. Chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam, tốt nhất nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học.
Đối với bệnh hại cây ăn quả, có nhiều nguyên nhân gây ra như do nấm, vi khuẩn, vi rút, tuyến trùng…. Tác động của thời tiết hay mất cân bằng dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng hay bị ngộ độc) cũng có thể làm cho cây có triệu chứng như bị nhiễm bệnh. Vì vậy, người trồng cây ăn quả cần phải biết chính xác nguyên nhân để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh vườn cây, chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế rất nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, một số loại bệnh do nấm hại lá hay thối rễ cây khá phổ biến trên cây ăn quả cần sử dụng các loại thuốc hoá học trong danh mục cho phép và phun phòng định kỳ sẽ khống chế được bệnh.
Phân bón và dinh dưỡng đất: Lượng phân bón hàng năm cho vườn cây ăn quả thường được tính toán trên cơ sở năng suất quả thu hoạch năm trước để tính lượng dinh dưỡng cây lấy đi từ đất, từ đó bổ sung dinh dưỡng cho đất. Trong sản xuất cây ăn quả hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần bón phân theo nguyên tắc: bón phân chuồng đã được ủ hoai mục, phân vô cơ không bón quá nhiều hoặc quá muộn khi sắp thu hoạch sẽ có nguy cơ tồn dư nitrat trong sản phẩm, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân bón qua lá…