Muốn nâng cao năng lực quản trị và điều hành cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.
Thực tế cho thấy, ngành tài chính ngân hàng luôn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như xây dựng chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế...
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho rằng: Năng lực quản trị và chất lượng đội ngũ nhân lực là nỗi trăn trở băn khoăn của đa số DN Việt Nam hiện nay, không riêng bất kỳ một tổ chức nào. Đặc biệt, khi doanh nghiệp càng lớn, thì càng phải chú trọng các yếu tố này, để phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch HĐQT SHB, "hiểu mình mà để tự khắc phục", bên cạnh việc tự trau dồi học hỏi thêm kinh nghiệm trong công việc và các dự án hiện nay thì hợp tác với đối tác, các tập đoàn nước ngoài, chính là con đường tích lũy kiến thức ngắn nhất và hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế.
Khi ngân hàng chiêu mộ hiền tài, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Theo dự báo của NHNN, đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài chính ngân hàng sẽ là 120.900 người. Tính đến cuối năm 2017, tổng số cán bộ nhân viên của ngân hàng của SHB là 6.210 người, với trên 92% có trình độ ĐH và trên ĐH. Việc tuyển chọn nhân sự với tiêu chuẩn cao về trình độ, sức khỏe, đạo đức luôn được SHB chú trọng. Song song đó là việc duy trì website tuyển dụng trực tuyến, bản tin tuyển dụng nội bộ và chương trình “Thực tập sinh tài năng – SHB’s Talent Internship” đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch, công bằng, nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu SHB trên thị trường lao động. SHB luôn coi nhân lực là tài sản quý giá nhất, lấy con người là trung tâm phát triển. Lãnh đạo SHB cho biết ngân hàng rất coi trọng cán bộ trẻ kế cận.
SHB phát triển đào tạo thông qua các ứng dụng công nghệ cao như: Hệ thống quản lý học tập – thi trực tuyến SHB - LMS; Hệ thống khảo sát – đánh giá chất lượng sau khóa học trực tuyến SHB – Survey; Diễn đàn trao đổi học tập;... nhằm tiết giảm tối đa các chi phí liên quan tới đào tạo và nâng cao năng suất lao động của nhân viên.
Về chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương, chế độ phúc lợi mang tính cạnh tranh với mục tiêu mang lại nguồn thu nhập ổn định để người lao động yên tâm gắn bó với SHB. Theo đó bộ máy tổ chức được tinh giản theo hướng giảm cấp quản lý trung gian, tăng cấp chuyên viên nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả trong công việc. Với cách làm này của SHB, những chuyên viên cấp cao thu nhập có thể ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn quản lý trực tiếp của họ.