Doanh nghiệp dệt may tiếp tục khó khăn các tháng cuối năm

Phong Nguyễn |

7 tháng năm 2023, xuất khẩu (XK) dệt may khá thăng trầm khi các con số không mấy lạc quan. Các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất, tích cực áp dụng công nghệ và chuyển sang sản xuất "xanh" để giữ các thị trường lớn.

Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp ​dệt may​​​​​​

Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu hàng hóa nói chung và sản phẩm dệt may nói riêng đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong 7 tháng qua, các DN dệt may đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, duy trì thị trường XK cũng như thị trường nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Cụ thể, do suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và châu Âu (EU), đơn hàng XK của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công sang các nước EU giảm khá mạnh, khiến doanh thu giảm 27%, lãi sau thuế giảm 56% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù đã vận dụng mọi chính sách tiết kiệm, tận dụng triệt để tính ưu việt của số hóa trong quản trị, nhưng trong nửa đầu năm 2023, doanh thu của Công ty Cổ phần Sợi Thế kỷ cũng giảm 41% và lợi nhuận sau thuế giảm tới 73%.

“Các DN phản ánh là đơn hàng sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tại EU, các chủ DN đang nỗ lực duy trì sản xuất, nhưng nhiều DN đã phải cắt giảm lao động, bố trí làm việc luân phiên để giảm chi phí nhằm vượt qua khủng hoảng” - ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam thông tin.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS - dự báo, ước tính kim ngạch XK dệt may Việt Nam đến hết tháng 7.2023 sẽ đạt khoảng 22,7 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù kim ngạch giảm, nhưng từ tháng 7.2023, tình hình đang được cải thiện, đà giảm đang từ 17% trong 6 tháng đầu năm đã thu hẹp lại còn 14% trong 7 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, VITAS cũng đánh giá: Tình hình sản xuất, XK sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí có thể kéo dài sang quý I/2024. Thực tế là đến thời điểm hiện nay, một số DN vẫn chưa đủ đơn hàng cho 2 quý còn lại của năm 2023.

Bên cạnh tình trạng “đói” đơn hàng, các DN dệt may đang bị thu hẹp lợi nhuận do đơn giá giảm sâu, có những đơn hàng phải ký các mặt hàng giảm đến một nửa so với trước. Đơn giá giảm, nhưng để duy trì sản xuất, giữ được mối làm ăn, các DN vẫn phải chấp nhận dù hàng sản xuất ra không mang về lợi nhuận.

Theo phân tích của các tổ chức trong nước và quốc tế, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng sẽ "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu. Do đó, nhu cầu dệt may trên thế giới trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 6-10%, giảm từ 757 tỉ USD xuống còn 712 tỉ USD, thậm chí còn 687 tỉ USD. Điều này cho thấy, DN ngành dệt may sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

“Các đơn hàng có thể được cải thiện, nhưng không kỳ vọng khả quan, các DN khó có thể “lội ngược dòng” để mang về các đơn hàng XK giá trị lớn như năm trước để bù vào số lượng XK sụt giảm trong nửa đầu của năm. Hơn nữa, tình hình kinh tế khó khăn, thì lợi thế nhân công giá rẻ của các DN dệt may Banglades cũng có thể khiến các đơn hàng đổ về quốc gia này nhiều hơn, gây bất lợi cho các DN Việt”- ông Vũ Tuấn Anh nhận định.

Doanh nghiệp phải phát triển theo chiều sâu để "vượt bão"

Nhận định tình hình XK của ngành dệt may còn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại của năm nay, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh: Để tăng uy tín trên thị trường quốc tế, thu hút các đơn hàng, đảm bảo XK bền vững, các DN dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, chứ không đơn thuần chủ yếu gia công như hiện nay.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS - cũng nhấn mạnh rằng, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu, để gia tăng XK vào các thị trường lớn, các DN Việt Nam bắt buộc phải triển khai mới đủ sức cạnh tranh và XK bền vững.

Theo đó, VITAS đặt mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Phong Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may, Thủ tướng chỉ đạo xử lý

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin “Châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may”, xây dựng giải pháp triển khai phù hợp.

Ngành dệt may tái cơ cấu, tìm thị trường mới để phục hồi

Thanh Vân |

Trước áp lực về lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, đơn giá giảm sâu, nhiều doanh nghiệp may trong nước đang chủ động tìm kiếm các thị trường mới để tránh nguy cơ người lao động bị mất việc làm.

“Cây sáng kiến” của Công đoàn Dệt may 29/3

Tường Minh |

Bà Lê Thị Hải Châu - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) - ví anh Nguyễn Văn Trung - một trong những người được trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV tới đây là “cây sáng kiến” của công đoàn.

Hình ảnh vợ chồng địu con giữa nước lũ là dàn dựng câu view

Lam Thanh |

Hà Giang - Bức ảnh cặp vợ chồng địu con nhỏ sơ tán giữa dòng nước lũ thực chất chỉ để làm content câu view.

Đại tướng Phan Văn Giang gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ

Vương Trần |

Đại tướng Phan Văn Giang đã gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân và dân quân tự vệ đang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng

PHẠM ĐÔNG |

Ông Phạm Minh Hà và ông Nguyễn Việt Hùng vừa được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên từ Australia về Việt Nam

Phạm Huyền |

Chính phủ Australia công bố cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD nhằm ứng phó với các thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra.

Phê chuẩn ông Trần Hồng Thái giữ chức Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đối với ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.