Câu hỏi lớn lúc này: Đâu sẽ là thời điểm FED đảo chiều chính sách? Rõ ràng sự cố hệ thống ngân hàng đã buộc FED bớt “diều hâu” hơn. Tuy nhiên lạm phát vẫn là bài toán khó. Nếu lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, FED sẽ phải cùng lúc ứng phó với 3 bài toán là lạm phát, suy thoái kinh tế và lo ngại rủi ro hệ thống ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một chuyên gia cho rằng, FED đã chuyển từ “diều hâu” sang “bồ câu” nhưng động thái nới lỏng chính sách tiền tệ cần cả quá trình và nhà đầu tư còn cần tiếp tục chờ để các chính sách thực sự ngấm vào thị trường.
Thông tin FED tiếp tục tăng và sẽ không hạ lãi suất trước năm 2024 của FED khiến nhà đầu tư chứng khoán không mấy vui vẻ. Thị trường trước đó kỳ vọng đây sẽ là đợt tăng cuối cùng và FED sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, thông điệp mới nhất cho thấy, FED sẽ còn ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa và sẽ không hạ lãi suất trong năm nay. “Tiến trình đưa lạm phát về ngưỡng 2% là một chặng đường dài để đi và có thể còn gập ghềnh” - Chủ tịch ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới Jerome Powell phát biểu.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm, VN-Index chốt phiên ngày 23.3 èo uột, giảm 0,44%. Dòng tiền ảm đạm, thanh khoản thị trường tụt xuống mức thấp nhất 20 phiên.
Đánh giá về tác động với Việt Nam, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - nhận định: “Việc tăng lãi suất lần này của FED cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể. Vấn đề là tâm lý và phản ứng của nhà đầu tư, người gửi tiền ở Mỹ và toàn cầu trong những ngày tới có thể vẫn còn xáo trộn, có tác động nhất định đối với thị trường tài chính Việt Nam.
Dù sao, áp lực lãi suất và tỉ giá đã giảm đi rất nhiều so với cuối năm 2022 và đầu năm nay. Nhưng, với những động thái chính sách quyết liệt, nhanh chóng, đồng thuận khá cao chưa từng có, truyền thông mạnh mẽ của giới chức Mỹ và Thụy Sĩ những ngày qua cùng với động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ của FED cùng nền tảng hệ thống ngân hàng Mỹ và Châu Âu vững chắc hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng trước đây, việc hy vọng nền kinh tế, thị trường tài chính Mỹ và Châu Âu có thể "hạ cánh mềm", vượt qua được cú sốc hiện nay là có cơ sở”.
Theo TS Cấn Văn Lực, việc FED tăng lãi suất lần này là bước đi cần thiết, được tính toán rất thận trọng, đa chiều, đa mục tiêu hơn. Cụ thể, quyết định này giúp FED đạt được ít nhất 3 mục tiêu: Thứ nhất, tiếp tục kiên định cuộc chiến chống lạm phát. Thứ hai, tính đến bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và toàn cầu. Thứ 3, động thái này nhằm bảo vệ uy tín chính sách của FED.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa giảm một loạt lãi suất điều hành. Ông Phan Linh - chuyên gia phân tích từ Take Profit Việt Nam - cho rằng: “Việc hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là tích cực cho trung và dài hạn của thị trường. Theo thống kê trong lịch sử 10 năm trở lại đây, những lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thì thị trường đi ngang hoặc ở chân sóng lớn. Tiền trong ngân hàng đang dồi dào nhưng chưa đẩy ra bên ngoài được, do các ngân hàng ngày càng thẩm định cho vay chặt chẽ hơn. Mặc dù có room tín dụng nhưng việc thẩm định chặt hơn khiến tiền không đẩy ra. Thanh khoản hệ thống đang dồi dào và cần 1 cú xoay chiều để lượng tiền đẩy ra lưu thông”.