Hoài nghi phiên phân phối đỉnh nhưng không thể hoài nghi lực cầu
Nhiều phân tích cho rằng phiên giao dịch ngày 20.8 có nhiều dấu hiệu của một phiên phân phối đỉnh, như khối lượng cổ phiếu giao dịch tăng mạnh và chỉ số chứng khoán VN-Index giảm điểm sâu.
Thế nhưng, cũng có những dấu hiệu “phản” lại dấu hiệu phân phối đỉnh. Đó là thị trường tuy giảm sâu nhưng có nhiều cổ phiếu có mức giảm giá mạnh cũng chỉ ngang với mức đã tăng theo cách “vay mượn” trong phiên kéo giật vào vài phút cuối của phiên ATC ngày 19.8 trước đó.
Chưa hết, phiên giảm sâu bất ngờ hơn 45 điểm ngày 20.8 nhưng không phải là số điểm thấp nhất trong ngày. Thậm chí có thời điểm cuối phiên, từ chỗ mất hơn 50 điểm chỉ số VN-Index đã thu hẹp về mức chỉ còn giảm hơn 38 điểm.
Mặt khác, trong một phiên giảm tới 45 điểm nhưng toàn sàn HoSE vẫn còn tới 75 mã tăng điểm bên cạnh 302 mã giảm điểm. Và điều đáng ngạc nhiên là, thị trường vỏn vẹn chỉ có 9 mã giảm sàn, trong đó lại không có mã nào thuộc nhóm vốn hóa lớn VN30.
Những dấu hiệu tích cực trong một phiên giảm mạnh như trên chính là bằng chứng phản biện lại những lập luận hoài nghi rằng phiên giao dịch ngày 20.8 trên sàn HoSE là một phiên phân phối đỉnh.
Và đặc biệt, với thanh khoản riêng trên sàn HoSE đạt xấp xỉ 38.350 tỉ đồng có lẽ cũng nằm ngoài dự kiến của chính những ai muốn tạo ra một phiên phân phối đỉnh. Qua đó cho thấy, lực cầu bắt đáy thị trường rất mạnh mẽ, thị trường không đến mức bán xả hàng bằng mọi giá để tháo chạy.
Do “cá bé” rũ hàng hay “cá mập” đạp giá?
Đa phần nhận định cho rằng phiên thanh khoản trên 2 tỉ USD trên toàn thị trường ngày 20.8 là một phiên rũ hàng (ám chỉ rũ bỏ các cổ phiếu yếu, những cổ phiếu có mức giá tăng nóng.v.v… trong thời gian qua để tạo lập mặt bằng giá mới hấp dẫn hơn) một cách mạnh mẽ.
Sàn HoSE rũ hàng và chỉ số giảm mạnh 3,3% khiến cho khá nhiều mã cổ phiếu trở lại mức giá hấp dẫn, như nhóm mã dẫn đầu ngành thép, rất nhiều mã ngân hàng, bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp…
Song sự rũ hàng có lẽ không phải xuất phát từ “cá bé” vốn là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trong nước thường trong thế bị động nhiều hơn trong các đợt xả hàng. Đúng hơn, “cá bé” bị cuốn vào diễn biến theo chiều hướng giảm giá từ đầu phiên, và sau đó tâm lý càng lúc càng trở nên dao động, lo lắng, dẫn đến bán mạnh khi có những tác nhân kéo giá mỗi lúc xuống sâu hơn.
Những tác nhân đó, theo một số chuyên viên môi giới chứng khoán chúng tôi có trao đổi sau phiên giao dịch, được gọi là những “cá lớn”, “cá mập”, vốn để chỉ những nhà đầu tư lớn. Như vậy, xuất phát điểm phải bắt đầu từ một sự đạp giá, cho cổ phiếu rơi xuống mức giá hấp dẫn để gom hàng.
Bởi nếu không có sự gom hàng mạnh từ những người nắm giữ lượng tiền mặt lớn và luôn sẵn sàng thì chẳng thể nào hấp thụ nổi hơn 1,2 tỉ cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch lên tới 38.350 tỉ đồng trong một phiên trên sàn HoSE và hơn 2 tỉ USD trên toàn thị trường, tạo ra phiên thanh khoản lịch sử về cả khối lượng và giá trị giao dịch.
Bởi bản chất đầu tư hay đầu cơ của “cá bé” chỉ là “kiếm cơm” cho nên rất hiếm khi tự mình chủ động đi rũ hàng hay đạp giá mà chuốt thiệt hại trước tiên.