Một cổ đông khác đặt câu hỏi: “MB nhận ngân hàng này 0 đồng là không phải trả 1 xu nào đúng không? Nếu hôm nay chúng ta biểu quyết nhận ngân hàng yếu kém này thì Ngân hàng Nhà nước cho chúng ta biện pháp hỗ trợ như thế nào để đổi lại “khúc xương” đó. Nếu 5-7 năm tái cơ cấu không thành công thì liệu chúng ta có quyền trả lại cho Nhà nước hay có quyền bán 0 đồng không?".
Trả lời câu hỏi cổ đông, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết: “MB là ngân hàng được lựa chọn để đóng góp trong điều kiện có thể. Vậy đó có phải nhiệm vụ chính trị không? Có một phần, vì chúng ta là ngân hàng lớn, có khả năng thực hiện điều này.
Thứ hai, nói về câu chuyện kinh tế. MB làm tự nguyện, không ai ép buộc. Hàng năm, MB đều tăng trưởng và vẫn kiểm soát được an toàn, rủi ro. Việc có nghiệp vụ đi kèm theo một số biện pháp, trong đó có mở rộng không gian tăng trưởng cho MB. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thì sẽ giúp MB có không gian tăng trưởng mới”.
Vậy lộ trình sáp nhập ngân hàng sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Lưu Trung Thái cho biết: “Có câu hỏi cổ đông là liệu việc chuyển giao bắt buộc có phải bỏ tiền không? Tôi trả lời là 0 đồng, tức là chuyển giao 0 đồng, đồng nghĩa với việc MB không phải bỏ tiền mua ngân hàng này. Vậy MB được hỗ trợ gì để khắc phục ngân hàng này? Hội đồng quản trị đề nghị cổ đông cho phép nhận ngân hàng bắt buộc này. Và ngân hàng này chỉ dưới 10% tổng tài sản, lỗ luỹ kế các kiểu không vượt quá 20 nghìn tỉ đồng. Vậy làm thế nào giải quyết được 20.000 tỉ trong thời gian tái cơ cấu.
Nói về 2 biện pháp xử lý ngân hàng, ông Lưu Trung Thái cho biết: Ngân hàng chuyển giao bắt buộc được vay một khoản tiền 0% trong thời gian tái cơ cấu. Cộng với việc được phép tăng trưởng ngân hàng đó với quy mô tốt. Theo tính toán, 1/2 được hỗ trợ bởi nhà nước, 1/2 do MB tạo ra lợi nhuận. Tính toán là 7-8 năm, MB có thể giải quyết dứt điểm lỗ luỹ kế ngân hàng này.
Khi giải quyết hết lỗ thì có 2 phương án, không nhất thiết hợp nhất với MB.
Phương án 1 là sau khi triển khai tái cơ cấu sáp nhập MB để quy mô tài sản tăng lên.
Phương án 2 là bán ngân hàng đó đi như một khoản đầu tư. Phương án chuyển giao bắt buộc thì sở hữu thuộc MB, IPO chuyển nó thành ngân hàng TMCP hoặc bán.