Hàng loạt sàn đầu tư bị sập, nhà đầu tư khóc ròng
Từ trưa ngày 7.5 đến nay, đã có rất nhiều người bị hại đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM để nộp đơn tố cáo về việc họ tham gia đầu tư và bị sàn giao dịch tài chính Busstrade chiếm đoạt tiền. Những người đến từ rất nhiều tỉnh lân cận TPHCM, với khuôn mặt đều thẫn thờ và dường như họ chưa tin được điều đau đớn là tiền của mình đã bị “bốc hơi” khi sàn sập.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm tháng 3.2020, Busstrade xuất hiện trên mạng với lời quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép ở Anh. Busstrade là nền tảng giao dịch tiền ảo theo quyền chọn nhị phân, được giới thiệu là bảo hiểm 100% vốn và lợi nhuận lên tới 30%/tháng. Người tham gia Busstrade sẽ dự đoán xu hướng và chọn giao dịch Sell hay Buy trong 30 giây, sau đó ngồi chờ kết quả, nếu đoán đúng sẽ được nhận mức lợi nhuận lên tới 95%. Sàn kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào theo cách quy đổi 24.500 đồng được 1USDT (gọi là USD điện tử). Có 4 gói đầu tư, tương đương số vốn 100-1.000-2.000-5.000USDT. Tương tự sàn Coolcat (đã bị sập cách đây khoảng hơn tháng), sàn Busstrade quảng cáo bảo hiểm 100% vốn đầu tư. Tuy nhiên, người chơi không phải làm gì, thậm chí không cần online, Busstrade đã lập trình để tài khoản tự động copy theo lệnh giao dịch của một chuyên gia và người này hiện mất liên lạc.
Anh Nguyễn Hùng - ngụ ở Bình Thuận - cho biết, anh tham gia đầu tư vào sàn này từ thời điểm cuối năm 2020. Cho tới nay số tiền anh tham gia đầu tư đã lên đến con số gần 700 triệu đồng. Người chơi hầu như không làm gì, chỉ việc sau một ngày vào sàn kiểm tra xem hôm qua chuyên gia đánh thắng hay thua. Mỗi tuần có 5 phiên giao dịch, nếu chuyên gia thua dẫn đến tài khoản tự động trừ vốn thì bảo hiểm sẽ hoàn đủ số tiền thua. Vào ngày 22.4.2021, những người đầu tư trên sàn Busstrade nhận được thông tin kêu gọi nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% với khoản lãi được hứa hẹn như sau: 1.000USD nhận lợi nhuận 5%; 2.000USD nhận lợi nhuận 5%; 5.000USD nhận lợi nhuận 7%.
Tuy nhiên, liền ngay sau đó vào ngày 23.4, người đầu tư đã không truy cập vào sàn này để giao dịch được. Busstrade đã có động thái trấn an người tham gia khi sàn không truy cập được. Lý do đưa ra là bảo trì hệ thống và sẽ mở lại vào ngày 5.5. Đến hẹn, sàn Busstrade mở lại nhưng yêu cầu người chơi chuyển tiền từ USD sang BToken với tỉ giá 0,01 BToken đổi lấy 1USD, kèm thêm khoản trừ 10% phí. Như vậy, 1USD sẽ đổi được 0,009 BToken. Busstrade yêu cầu người tham gia đổi tiền trước ngày 8.5 và mọi giao dịch sau đó sẽ không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đến ngày 7.5, website của sàn giao dịch Busstrade bỗng bất ngờ bị "sập" khiến nhà đầu tư không thể đăng nhập vào tài khoản, trong khi các cấp lãnh đạo thì không thể liên lạc được. Những người đầu tư đã không thể rút tiền về.
Khi được hỏi về việc có biết vụ sàn Coolcat tương tự đã bị sập trước đó, sao không rút tiền ra thì anh Hùng cùng nhiều nhà đầu tư cho biết, cũng có nghe thông tin nhưng do được các chuyên gia trấn an, đồng thời họ còn chứng minh có nhiều người thua hết tài khoản đã được bồi hoàn đầy đủ nên mọi người trong nhóm đều an tâm.
Lời cảnh báo như "gió thổi vào nhà trống"...
Những tháng qua, các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra lời cảnh báo về một số sàn đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo. Mới đây nhất là tại TPHCM, cũng hàng trăm nhà đầu tư tố cáo sàn tài chính Coolcat có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng. Sàn giao dịch Coolcat cũng chiêu dụ nhà đầu tư theo phương thức là người chơi chỉ cần bấm nút dự đoán giá Bitcoin, giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng. Nếu thua 6 lần liên tiếp thì phải dừng lại quay về để được bảo hiểm đền 100%. Nhiều người tin tưởng đã vay tiền người thân, bạn bè, ngân hàng, bán nhà, bán đất để nạp tiền vào sàn Coolcat với hy vọng sẽ thu lời nhanh chóng. Thế nhưng sau khi tung chiêu lùa trứng vào một rổ và khi đã đủ đầy thì đến một ngày trang web của sàn này không thể truy cập, các nhà môi giới biến mất và người chơi “ngồi trên đống lửa” vì không biết cách nào để lấy lại tiền.
Trước đó, vào cuối 2020, Công an TPHCM đã phát đi thông tin cảnh báo những người tham gia đầu tư vào hoạt động của các trang Wefinex.net, Raidenbo.com, Bitono.io… để huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Tại Hà Nội, sau vụ việc Coolcat, Công an Hà Nội mới đây cũng đưa ra cảnh báo về sàn giao dịch quyền chọn nhị phân GardenBO (GardenBO.com) có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Các chuyên gia cho biết để thu hút người tham gia các chủ sàn, nhà môi giới liên tục đăng tải các hình ảnh, video quảng cáo trên YouTube, Facebook… Thành lập hàng chục hội nhóm trên Zalo, Facebook (có hội nhóm lên tới hàng nghìn thành viên) để quảng cáo cho hoạt động này. Thực tế nhiều nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất như cam kết. Nhưng chỉ là các điểm ảo được ghi nhận trên tài khoản, người chơi chỉ được quy đổi thành tiền Việt Nam một lượng rất nhỏ để tạo lòng tin, hoặc không quy đổi được. Các hội nhóm có nhà đầu tư không rút được tiền sẽ bị xóa đi và các đối tượng tiếp tục lập các hội nhóm khác để lôi kéo các nhà đầu tư mới.
Khi lòng tham lấn át
Trao đổi với một người từng tham gia vào các hệ thống này dưới góc độ là chuyên gia kỹ thuật thì chúng tôi được biết, về mặt kỹ thuật việc xây dựng một sàn giao dịch theo phiên bản các sàn giao dịch forex, hay đầu tư tiền ảo không phải là quá khó. Chỉ cần đầu tư tiền thì sẽ có thể có cách tìm được phiên bản mẫu và bỏ tiền mua “bản quyền” về để thiết kế lại theo yêu cầu và mục đích của mình, khá giống với việc nở rộ các sàn cá cược bóng đá lâu nay.
Nếu nhìn kỹ nhà đầu tư có thể thấy các sàn mới mở ra đều có nét giống với sàn đã sập, chỉ là khoác lên một chiếc “áo mới” với những chiêu thức mới để dẫn dụ nhà đầu tư. Các sàn giao dịch ảo này đăng ký tên miền ở nước ngoài, máy chủ ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát, xử lý, cơ quan quản lý cũng khó làm việc được với các sàn này.
Thế nhưng, dường như với các nhà đầu tư thích mạo hiểm này lời cảnh báo với họ giống như "gió thổi vào nhà trống". Trực tiếp gặp gỡ các nhà đầu tư, chúng tôi nhận ra rằng đa phần họ đều không phải là tay mơ trong cuộc chơi này. Nhiều nhà đầu tư bản thân họ là những người làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nên không thể nói là do họ không có kiến thức.
Theo chuyên gia đầu tư tài chính Nguyễn Duy Phương - Giám đốc quỹ đầu tư DG Investment - có nhiều nguyên nhân khiến cho các sàn tài chính ảo có thể dễ dàng lừa người dùng. Tuy nhiên, quan sát cuộc chơi này thời gian qua chúng ta có thể nhận thấy một hiện tượng rất nguy hiểm đó là có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc. Điều này chính là lý do giải thích tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều.
Hiện nay có nhiều người biết rõ những sàn này sẽ sập song vẫn ùn ùn tham gia vì bản thân có được lợi ích nhất định. Những người này dày dặn kinh nghiệm, họ đi hết sàn này đến sàn khác kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia. Rồi khi có lời, họ sẽ tìm cách tháo chạy bỏ lại những nạn nhân sau bị thiệt hại nặng nề.