2 năm sau khi WHO tuyên bố là đại dịch, COVID-19 "còn lâu mới hết"

Song Minh |

Gần 500 triệu người nhiễm COVID-19 kể từ tháng 3.2020 và các biến thể mới vẫn là mối đe doạ sau hai năm WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Ngày mai 10.3 đánh dấu hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định sự lây lan toàn cầu của COVID-19 là đại dịch.

Vào thời điểm cơ quan y tế Liên Hợp Quốc có bản đánh giá sáu tuần sau khi COVID-19 được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, thế giới mới có chưa đến 100 ca mắc và không có trường hợp tử vong nào bên ngoài Trung Quốc. Hai năm sau, hơn 6 triệu người đã chết.

“Mặc dù các trường hợp mắc và tử vong được báo cáo đang giảm trên toàn cầu và một số quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc - và nó sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi” - Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết hôm 9.3.

Phát biểu trước báo giới tại Geneva, ông Ghebreyesus nhắc nhở thế giới rằng nhiều quốc gia ở Châu Á và Thái Bình Dương hiện phải đối mặt với số ca bệnh và tử vong gia tăng.

Ông nói: “Virus tiếp tục phát triển và chúng ta tiếp tục đối mặt với những trở ngại lớn trong việc phân phối vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị ở mọi nơi chúng cần thiết".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đưa ra một tuyên bố vào cùng ngày 9.3 ủng hộ đánh giá của người đứng đầu WHO rằng sẽ là "một sai lầm nghiêm trọng" nếu nghĩ virus đã là quá khứ.

Ông Guterres nhắc lại, việc phân phối vaccine vẫn “bất bình đẳng một cách đáng lo ngại”. Ông nhấn mạnh: “Các nhà sản xuất đang bào chế 1,5 tỉ liều mỗi tháng, nhưng gần ba tỉ người vẫn đang chờ đợi liều thuốc đầu tiên của họ”.

Tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 15-18 ở Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: UNICEF
Tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 15-18 ở Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: UNICEF

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đổ lỗi “thất bại” này là do các quyết định về chính sách và ngân sách ưu tiên sức khỏe của người dân ở các nước giàu có hơn là sức khỏe của người dân ở các nước nghèo.

“Đây là một bản cáo trạng đạo đức đối với thế giới của chúng ta. Nó cũng là một công thức cho nhiều biến thể hơn, nhiều đợt phong toả hơn, nhiều nỗi buồn và sự hy sinh hơn ở mỗi quốc gia” - ông Guterres cho biết.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói thêm rằng bất chấp vô số cuộc khủng hoảng toàn cầu khác, thế giới phải đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân ở tất cả các quốc gia vào giữa năm nay.

“Khoa học và sự đoàn kết đã được chứng minh là một sự kết hợp không thể đánh bại. Chúng ta phải cống hiến lại bản thân để chấm dứt đại dịch cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia, đồng thời khép lại chương đáng buồn này trong lịch sử nhân loại, một lần và mãi mãi” - ông Guterres nói.

Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ quan ngại về việc "giảm mạnh" xét nghiệm ở một số quốc gia. Ông cảnh báo: “Điều này hạn chế khả năng của chúng ta trong việc xem virus đang ở đâu, cách nó lây lan và tiến triển của nó".

Trong khi đó, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, bà Maria Kerkhove, nói rằng cơ quan này đã biết về một "chủng tái tổ hợp" ở Châu Âu.

Bà nói: “Đó là sự kết hợp giữa Delta AY.4 và Omicron BA.1. Nó đã được phát hiện ở Pháp, Hà Lan và Đan Mạch nhưng mức độ phát hiện rất thấp”.

Bà Kerkhove đồng thời kêu gọi xét nghiệm nhiều hơn và giải trình tự gene trên khắp thế giới. “Với sự xuất hiện của Omicron, ở một số quốc gia, làn sóng Delta đã trôi qua nên lượng lưu hành ở mức thấp, nhưng ở các nước khác, ví dụ như ở Châu Âu, Delta vẫn lưu hành ở mức cao khi Omicron xuất hiện” - bà nói.

Chuyên gia của WHO giải thích, cho đến nay, các nhà khoa học chưa nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng của COVID-19 với biến chủng này, nhưng các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.

Bà Kerkhove kêu gọi các quốc gia củng cố hệ thống giám sát và xác định trình tự. Bà cũng nhắc lại lời kêu gọi sử dụng phương pháp tiếp cận theo tầng đối với các biện pháp y tế công cộng.

Đại dịch còn lâu mới kết thúc, chúng ta không chỉ cần tập trung vào việc cứu sống con người mà còn phải tập trung vào việc giảm sự lây lan" - bà Kerkhove nói.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Pháp sẽ gỡ bỏ các lệnh giới hạn do COVID-19 từ tuần sau

Anh Vũ |

Pháp sẽ dỡ bỏ các hạn chế ngăn ngừa COVID-19 tại các doanh nghiệp từ tháng 3.2022.

Malaysia mở cửa hoàn toàn biên giới, coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

Bảo Châu |

Malaysia sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới vào ngày 1.4 khi nước này bắt đầu chuyển đổi sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thoát cửa tử COVID-19 sau 550 ngày điều trị

Song Minh |

Sau 550 ngày nằm viện chiến đấu với COVID-19, một người đàn ông bang New Mexico (Mỹ) đã được về nhà.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Nguyện vọng của trái chủ trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

NHÓM PV |

TPHCM - Nhiều bị hại liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có mặt tại TAND TPHCM để theo dõi phiên xét xử.

Mưa ngập, hơn 11.000 học sinh vùng trũng ở Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 20.9, tại huyện Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ nên hơn 11.000 học sinh ở khu vực trũng thấp được cho nghỉ học.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.