Cho đến tận hôm nay, nguyên nhân gây ra cái chết của Lý Tiểu Long vẫn không thực sự rõ ràng. Vào thời điểm đó, các bác sĩ cho rằng, sự tích tụ chất lỏng trong não của Lý Tiểu Long là nguyên nhân chính thức dẫn đến cái chết. Nhưng các bác sĩ cũng không đưa ra lời giải thích rõ ràng, theo SCMP.
Nhân 50 năm ngày mất của Lý Tiểu Long, cùng nhìn lại một số giả thuyết về nguyên nhân ông qua đời.
1. Sử dụng cần sa
Lý Tiểu Long qua đời vào năm 1973 khi mới 32 tuổi. Vào thời điểm đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Queen Elizabeth ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, cái chết của ông là do phù não. Chứng phù não đe dọa đến tính mạng, là cách cơ thể phản ứng với chấn thương, đột quỵ hoặc nhiễm trùng.
Dấu vết của cần sa được tìm thấy trong dạ dày và ruột non của Lý Tiểu Long khi ông qua đời, theo một bài báo đăng ngày 19.9.1973. Do đó, một số bác sĩ Hong Kong tin rằng, chứng phù não có thể do Lý đã dùng cần sa.
Lý Tiểu Long trước đó đã được chẩn đoán bị phù não vào ngày 10.5 - chỉ hai tháng trước khi qua đời - sau khi ông ngã quỵ tại một xưởng phim và rơi vào tình trạng nguy kịch, theo các bài báo của SCMP từ ngày 22.7.1973 và ngày 21.9.1973.
Vào thời điểm đó, Lý đang lồng tiếng cho bộ phim Enter the Dragon (Long tranh hổ đấu). Nam diễn viên ngất xỉu trong phòng tắm, sau đó nôn mửa và lại ngất xỉu trước khi được đưa đến bệnh viện.
Tại đây, Lý được bác sĩ giải phẫu thần kinh Peter Wu điều trị. Bác sĩ cho hay, việc sử dụng cần sa là một yếu tố tiềm ẩn khiến bệnh nhân bị phù não. Tuy nhiên, điều này đã và vẫn là suy đoán - không có mối liên hệ được ghi nhận giữa việc sử dụng cần sa và chứng phù não.
2. Quá mẫn cảm với aspirin hoặc meprobamate
Không lâu trước khi qua đời, Lý Tiểu Long đã ở nhà tình nhân Đinh Bội (Betty Ting Pei) trên đường Beacon Hill, Cửu Long, Hong Kong và kêu đau đầu dữ dội. Nam diễn viên hút một ít cần sa và Đinh Bội đưa cho người tình một viên thuốc equagesic, có chứa meprobamate và aspirin, để giảm đau.
Nhà nghiên cứu bệnh học hàng đầu Robert Donald Teare, giáo sư pháp y tại Đại học London vào thời điểm đó cho rằng, chính sự quá mẫn cảm với aspirin hoặc meprobamate trong thuốc, hoặc sự kết hợp của cả hai, đã dẫn đến chứng phù não.
Lý thuyết này đã được chứng thực bởi Ray Richard Lycette, nhà nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện Queen Elizabeth, người đã thực hiện khám nghiệm tử thi Lý Tiểu Long, theo các bài báo của SCMP tháng 9.1973.
Tuy nhiên, giống như lý thuyết về cần sa, aspirin hoặc meprobamate không thể được xác nhận chắc chắn là nguyên nhân tử vong vì cả hai đều không gây phù não.
3. Sốc nhiệt
Trong cuốn tiểu sử Cuộc đời của Lý Tiểu Long, tác giả Matthew Polly đặt ra một giả thuyết khác - sốc nhiệt là lý do dẫn đến cái chết.
Trong hai tháng trước khi qua đời, ngôi sao điện ảnh đã sụt 15% trọng lượng cơ thể vì làm việc quá sức và chỉ nặng 54 kg.
Nam diễn viên cũng đã cắt bỏ tuyến mồ hôi ở nách vài tháng trước đó, vì vậy khả năng tản nhiệt của cơ thể sẽ thấp hơn bình thường - Polly viết.
Vào ngày 10.5, khi Lý ngã quỵ trong lúc lồng tiếng phim "Long hổ tranh đấu", điều hòa không khí trong phòng đã được tắt để tránh tạp âm. Vào thời điểm đó, nam diễn viên có biểu hiện nhiệt độ cao, suy nhược, nôn mửa, bất tỉnh và các triệu chứng giống với sốc nhiệt.
Polly tin rằng, lần suy sụp thứ hai của Lý Tiểu Long có thể xảy ra do hoàn cảnh tương tự và quá nóng có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau đầu mà Lý đã đề cập đến vào ngày ông qua đời.
4. Uống quá nhiều nước
Tháng 12.2022, một nghiên cứu trên Tạp chí Thận lâm sàng cho rằng, nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của võ sĩ huyền thoại có thể là do hạ natri máu, xảy ra khi nồng độ natri trong máu thấp.
Các tác giả của nghiên cứu - một nhóm bác sĩ từ Đại học Autonomous ở Madrid, Tây Ban Nha - cho rằng, nam diễn viên có thể đã uống quá nhiều nước, dẫn đến lượng natri trong máu thấp, do đó không thể bài tiết đủ nước để duy trì cân bằng nội môi nước.
Lý mắc chứng "uống nhiều nước mãn tính" do chế độ ăn uống có cồn và nước trái cây, hút cần sa và cũng từng bị tổn thương thận trước đó.
Các nhà nghiên cứu viết: Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng, Lý Tiểu Long chết vì một dạng rối loạn chức năng thận: không có khả năng bài tiết đủ nước để duy trì cân bằng nội môi nước.
Điều này có thể dẫn đến hạ natri máu, phù não và tử vong trong vòng vài giờ nếu lượng nước dư thừa không phù hợp với lượng nước bài tiết qua nước tiểu.
“Mặc dù tình trạng hạ natri máu thường xuyên xảy ra, chiếm tới 40% số người nhập viện và có thể gây tử vong do uống quá nhiều nước ngay cả ở những người trẻ khỏe mạnh, song vẫn cần phải phổ biến rộng rãi hơn khái niệm rằng, uống quá nhiều nước có thể gây tử vong" - các nhà nghiên cứu viết.