Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, Bắc Đại Tây Dương đang trải qua đợt nắng nóng biển cấp độ 4 - được định nghĩa là “cực đoan”. Ở một số khu vực, nhiệt độ nước nóng hơn bình thường tới 5 độ C.
Thời gian gần đây, các đại dương trên toàn cầu nóng lên một cách bất thường. Tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã chứng kiến nhiệt độ bề mặt đại dương cao nhất kể từ khi các số liệu được công bố vào năm 1850.
Bức tranh khu vực thậm chí còn khắc nghiệt hơn, theo Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, nhiệt độ ở Bắc Đại Tây Dương vào tháng 5 cao hơn mức trung bình khoảng 1,25 độ C.
“Phía đông Đại Tây Dương, từ Iceland xuống vùng nhiệt đới nóng bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4 và tháng 5, phía tây bắc châu Âu và Vương quốc Anh có nhiệt độ bề mặt nước biển cao nhất so với mức trung bình được ghi nhận” - Stephen Belcher, nhà khoa học Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh cho biết trong một tuyên bố.
Mika Rantanen - nhà nghiên cứu tại Viện Khí tượng Phần Lan - cho hay, đợt nắng nóng tại Bắc Đại Tây Dương “rất đặc biệt và đang đang diễn ra mạnh nhất trên trái đất”.
Richard Unsworth, Phó Giáo sư Khoa học Sinh học tại Đại học Swansea, Vương quốc Anh, gọi đợt nắng nóng của Bắc Đại Tây Dương là “hoàn toàn chưa từng diễn ra trên trái đất”.
“Đợt nắng nóng kỷ lục tại Bắc Đại Tây Dương vượt xa những dự đoán về trường hợp xấu nhất đối với khí hậu đang thay đổi trong khu vực. Thực sự đáng sợ khi chứng kiến lưu vực đại dương thay đổi một cách chóng mặt” - Phó Giáo sư Unsworth nhận định.
Nhiệt độ tăng cao kéo theo những rủi ro đối với các loài sinh vật biển, chẳng hạn như cá, san hô và cỏ biển. Tuy nhiều loài đã thích nghi để tồn tại trong phạm vi nhiệt độ nhất định, song nhiệt độ nước nóng hơn có thể giết chết chúng.
Phó Giáo sư Unsworth cho biết: “Có khả năng rất cao là các loài động vật như hàu, thực vật và tảo sẽ bị giết bởi đợt nắng nóng biển châu Âu đang diễn ra, đặc biệt là ở các vùng nước nông, nơi nhiệt độ có thể siêu nóng vượt quá mức nền”.
Đầu tháng 6.2023, hàng nghìn con cá chết đã trôi dạt vào bờ biển vùng Vịnh Texas - một cái chết hàng loạt mà các nhà khoa học tin rằng có liên quan đến nhiệt độ đại dương tăng lên dẫn đến lượng ôxy trong nước suy giảm.
Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh tuyên bố: “Đó là sự kết hợp kinh điển giữa nền tảng của biến đổi khí hậu do con người gây ra với một lớp biến đổi tự nhiên trong hệ thống khí hậu”.
Thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc trái đất phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra tại đại dương và đất liền. El Nino, hiện tượng có xu hướng gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu, dự kiến sẽ khiến nhiệt độ tăng cao hơn nữa trong năm nay.
Các yếu tố khác cũng góp phần dẫn đến nhiệt độ bề mặt đại dương tăng cao, bao gồm việc thiếu gió từ sa mạc Sahara, vốn thường giúp làm mát khu vực bằng cách phản chiếu ánh sáng mặt trời.
Albert Klein Tank, người đứng đầu Văn phòng Khí tượng Hadley, Vương Quốc Anh cho biết: “Gió tây mạnh thường làm mát bề mặt đại dương nên gió yếu hơn mức trung bình đã làm giảm mức độ bụi trong bầu khí quyển của khu vực, góp phần làm tăng nhiệt độ”.
Một nguyên nhân khác làm gia tăng nhiệt độ đại dương có thể là các quy định chống ô nhiễm yêu cầu tàu cắt giảm lưu huỳnh trong nhiên liệu, giảm Sol khí trong khí quyển. Sol khí - hay aerosol - là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng, trong không khí hoặc chất khí khác.
Mặc dù các Sol khí tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, nhưng chúng cũng có tác dụng làm mát bằng cách phản xạ ánh sáng mặt trời.