Đốt pháo hoa hợp pháp trở lại
Giống như ở nhiều quốc gia, đốt pháo hoa là một phần không thể thiếu trong lễ đón giao thừa ở Đức dù truyền thống này đang dần ít phổ biến hơn.
Theo cuộc khảo sát gần đây của Đại học Bundeswehr ở Munich, gần 2/3 số người được hỏi cho rằng lệnh cấm này là tốt. Cuộc khảo sát này cũng nhận thấy 17% người dân Đức dự định chi tiền cho pháo hoa năm nay.
Hiệp hội ngành công nghiệp pháo hoa Đức VPI ước đạt doanh số bán pháo hoa cho giao thừa năm 2023 khoảng 120 triệu euro (127,6 triệu USD).
Về quy định liên quan tới pháo hoa, một số thành phố ở Đức đã thiết lập các khu vực cấm bắn pháo hoa, đặc biệt là xung quanh những đường phố đông đúc.
Chất lượng pháo hoa được bán từ ngày 29-31.12 phải được Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Vật liệu Liên bang Đức (BAM) hoặc cơ quan có thẩm quyền tương đương của Liên minh Châu Âu chứng nhận.
Người mua pháo hoa phải từ 18 tuổi trở lên và chính quyền Đức khuyến cáo không mua pháo hoa ở nước ngoài.
Năm 2020 và 2021, khi chính quyền Đức cấm bán pháo hoa tư nhân, hàng tấn pháo hoa bất hợp pháp đã được nhập lậu vào nước này khi nhiều người Đức ra nước ngoài để mua pháo hoa.
Trước đây, Đức cấm đốt pháo hoa bởi tại một số đô thị của nước này những người phản đối cho rằng, pháo hoa đêm giao thừa khiến các khu dân cư giống như những vùng chiến sự. Các cơ quan y tế cũng lưu ý, dịp giao thừa, số ca nhập viện do pháo gây bỏng nặng và gây thương tích ở tay, mắt thường xuyên tăng cao.
Đức cấm bán pháo hoa trong hai năm qua, đặc biệt là thời điểm các bệnh viện đã quá tải vì số ca nhiễm COVID-19 ở mức đỉnh điểm trong đại dịch.
Hội Chữ thập đỏ Đức dù vậy vẫn kêu gọi thận trọng khi đốt pháo hoa năm nay, cảnh báo rằng một số cơ sở y tế đã quá tải.
“Ngay cả khi nhiều người muốn đón mừng năm mới thật hoành tráng và có màn bắn pháo hoa riêng sau 2 năm không bắn pháo hoa thì sự thận trọng và cân nhắc nên tiếp tục được đặt lên hàng đầu” - DW dẫn lời một quan chức của Hội Chữ thập đỏ Đức.
Tác động môi trường của pháo hoa cũng đã được quan tâm trong những năm gần đây. Được làm từ nhựa và các hợp chất hóa học có hại, ánh sáng pháo hoa không chỉ gây ô nhiễm mặt đất mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí. Các nhóm môi trường và công đoàn cảnh sát Đức đã kêu gọi áp đặt lại lệnh cấm đốt pháo hoa.
Cảm giác cộng đồng
New York Times cho hay, pháo hoa là một trong những truyền thống đón giao thừa lâu đời nhất của Đức. Là hoạt động chính trong lễ đón giao thừa, ngoài các màn bắn pháo hoa chính thức, người dân Đức cũng tự đốt pháo hoa trong dịp giao thừa Silvester.
Người Đức gọi đêm giao thừa là Silvester để vinh danh Giáo hoàng Silvester, người có ngày thánh là 31.12.
Tự đốt pháo hoa có lịch sử lâu đời ở Đức, là cốt lõi trong lễ kỷ niệm Silvester trong nhiều năm. Nhiều người Đức chi hàng trăm euro cho màn bắn pháo hoa riêng.
Hiệp hội Công nghiệp Pháo hoa Đức, nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất pháo hoa từ những năm 1960, ước tính năm 2019 rằng, trong năm 2018, khoảng 130 triệu euro đã được chi cho pháo hoa hợp pháp ở Đức.
Theo quy định, pháo hoa ở Đức có thể được bán vào 3 ngày làm việc trước đêm giao thừa. Pháo hoa chỉ có thể được đốt hợp pháp vào ngày 31.12 và ngày 1.1, mặc dù ở các thành phố lớn, người ta có thể nghe thấy âm thanh pháo hoa trong vòng vài ngày trước và sau thời điểm đó.
Klaus Gotzen, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Pháo hoa Đức, chia sẻ: “Đối với đại đa số những người sử dụng pháo hoa, đó là cảm giác vui vẻ và cảm giác được chia sẻ niềm vui. Đó là cảm giác cộng đồng".
Trong lịch sử, bắn pháo hoa là biểu tượng địa vị của các hoàng đế Châu Âu. Lễ kỷ niệm xa hoa của các bậc đế vương là nền tảng cho những màn trình diễn ánh sáng vẫn thường xuyên diễn ra ở tháp Eiffel tại Paris, cầu tháp ở London và cổng Brandenburg ở Berlin.
Nhưng, Washington Post cho hay, cách tiếp cận riêng tư hơn của Đức về pháo hoa, ít nhất một phần có thể bắt nguồn từ truyền thống bắn súng mừng năm mới kéo dài hàng thế kỷ ở Bavaria và các khu vực khác.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi Đức ghi nhận tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ngành công nghiệp pháo hoa của nước này đã thành công trong việc biến pháo hoa trở thành một phần thiết yếu trong lễ đón năm mới của nhiều người, một phần “vì họ có thể xây dựng dựa trên những phong tục hiện có vốn không phổ biến ở các quốc gia khác" - chuyên gia Manuel Trummer, tại Đại học Regensburg, nói.
Mặc dù việc sử dụng pháo hoa tư nhân rộng rãi ở Đức chỉ mới bắt đầu khoảng hai thế hệ trước, nhưng một số ghi chép cho thấy rằng ngay từ thế kỷ 16, các nhà thờ đã lo ngại về việc chi tiêu quá mức cho pháo hoa.