Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Điều 2 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định về nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng như sau:
1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
2. Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ.
3. Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
5. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
6. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều 14 Luật BHYT 2008 được sửa đổi bởi Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định về tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT như sau:
1. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng BHYT là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
2. Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng BHYT là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
3. Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng BHYT là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
4. Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng BHYT là mức lương cơ sở.
5. Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT là 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, người hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thuộc nhóm đối tượng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng BHYT và đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì căn cứ để đóng BHYT là tiền trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.