“Hãy để trang phục truyền thống gắn liền với du lịch”
Tôi từng có cơ hội đến với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều quốc gia Châu Á luôn chú trọng đưa trang phục truyền thống vào du lịch về nguồn.
Có thể lấy đơn cử như cách Hàn Quốc đang làm với các khu du lịch có tính lịch sử như cung Gyeongbokgung. Gyeongbokgung là điểm đến trong hầu hết các tour du lịch ở Seoul.
Gyeongbokgung, còn được gọi là Cung điện Gyeongbok, là nơi lớn nhất trong số Ngũ Cung được xây dựng tại Seoul vào Triều đại Joseon. Ngày nay, khuôn viên rộng lớn của Cung Gyeongbokgung còn là nơi tọa lạc của Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc.
Vé vào tham quan cung điện Gyeongbokgung khoảng 3000 won/vé. Nhưng nếu các du khách đến đây đồng ý thuê hoặc mặc trang phục truyền thống hanbok để vào thăm cung điện Gyeongbokgung sẽ được miễn phí vé vào cửa.
Với tâm lý là một khách quốc tế đến với cung điện Gyeongbokgung, tôi rất vui khi mặc hanbok bước vào khu di tích lịch sử này. Khi đến đây, tôi đã mặc hanbok chụp ảnh và đăng trên Facebook cá nhân. Theo cách này, cả trang phục truyền thống hanbok và cung điện của Hàn Quốc đều đã được quảng bá.
Chúng ta cũng có rất nhiều khu di tích lịch sử chất chứa những câu chuyện xưa đầy tự hào. Tôi có thể lấy ví dụ về kinh thành Huế. Nếu du khách quốc tế đến đây mặc áo dài tham quan, chụp ảnh và chia sẻ trên những tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của họ, đó chính là cách quảng bá văn hóa, quảng bá vẻ đẹp của áo dài đến với thế giới.
Vậy tại sao, ở các khu di tích lịch sử như kinh thành Huế, chúng ta không mở những gian triển lãm áo dài, cho thuê áo dài, hay đặt ra những yêu cầu giống như cung Gyeongbokgung, rằng nếu du khách mặc áo dài vào tham quan kinh thành Huế, sẽ được miễn phí vé ra vào, chẳng hạn vậy.
Nếu có những cách thức, hoạt động phù hợp để khích lệ du khách mặc áo dài chụp ảnh, mặc áo dài khi tham quan kinh thành Huế, theo cá nhân tôi, cả du khách cũng thấy thú vị và chúng ta cũng có lợi về sức lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt.
“Để áo dài kể câu chuyện văn hóa”
Khi tham gia trình diễn áo dài ở các quốc gia trên thế giới, tôi thường nghiên cứu kỹ văn hóa của các nước bản địa, và lên kế hoạch thiết kế những nét văn hóa ấy trên tà áo dài. Ví dụ, tôi đưa kiến trúc đặc biệt của các tòa lâu đài Nga lên áo dài, và người Nga đã rất thú vị với điều đó. Khi để tà áo dài kể câu chuyện văn hóa, thế giới cũng biết đến vẻ đẹp của áo dài nhiều hơn.
Với văn hóa Việt, tôi nhớ mãi bộ sưu tập tranh Hàng Trống trên áo dài, khi trình diễn ở APEC, tôi đã rất xúc động và tự hào.
Bởi vậy, khi thiết kế áo dài, tôi chọn rất kỹ chất liệu, và chọn kỹ câu chuyện văn hóa muốn kể trên từng đường thêu, mũi chỉ. Một năm đến Tết, tôi thêu những câu ca dao tục ngữ quen thuộc lên áo, ví dụ như “Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy”. Tôi đặc biệt hứng thú với lụa tơ tằm dệt tay, với thổ cẩm, với đũi, với lanh... những loại vải thấm đẫm văn hóa và công sức của người dệt thủ công Việt.
Khi mỗi tà áo dài đều có câu chuyện riêng, đều mang màu sắc văn hóa Việt, bước ra thế giới, tôi tin rằng, cả thế giới sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của áo dài. Tôi đã từng chứng kiến, từng tự hào và vô cùng xúc động vì những điều như thế, với áo dài.
Và tôi yêu áo dài, tôi thấy mình đẹp nhất khi mặc áo dài.