Nhớ “chàng trai A Phủ”

Việt Văn |

Một trong những “cây đa cây đề” thực sự của làng điện ảnh, đạo diễn, NSND Trần Phương đã rời xa cõi tạm sáng 26.8.2020, để đi vào thế giới bên kia. Đi lên từ diễn viên, nổi tiếng với vai diễn A Phủ, để rồi sau này trở thành một đạo diễn sáng giá, NSND Trần Phương là một báu vật của điện ảnh Việt…

NSND Trần Phương tên thật Trần Đức Phương, sinh ngày 10.4.1930, quê ở Thái Nguyên. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam (sau là Hãng phim truyện Việt Nam).

Dấu mốc lớn đầu tiên khắc dấu tên ông trong lòng khán giả chính là vai diễn A Phủ trong phim “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, năm 1959. Một vai diễn xuất sắc tung hứng nhịp nhàng với vai Mỵ do NSƯT Đức Hoàn đóng). Sau đó là nhiều vai diễn khác thành công của ông như Khoa - chồng Tư Hậu - trong phim “Chị Tư Hậu” (1962), Khiêm trong “Tiền tuyến gọi” (1969), Sơn trong “Biển gọi” (1967), Tiệp trong “Ngày lễ Thánh”, Lực trong “Vợ chồng anh Lực”... càng khẳng định tài năng diễn xuất của Trần Phương.

Khi chuyển sang làm đạo diễn, sau một số phim khởi đầu hứa hẹn, ông tạo nên một “cơn sốt” cháy doanh thu phòng vé với bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” năm 1980 và tạo ra bệ phóng cho diễn viên Phương Thanh với vai diễn Hiền “Cá sấu” lừng danh. Phim còn có sự tham gia diễn xuất của Trần Quang, nam tài tử nổi tiếng điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975. Còn nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Đời gọi em biết bao lần” cho bộ phim và ca khúc sau này trở nên nổi tiếng trong nhiều năm, đặc biệt được các bạn trẻ yêu thích. Với bộ phim này, Trần Phương đã giành Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Nhiều tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Trần Phương như “Hy vọng cuối cùng” (1981), “Đứng trước biển” (1985), “Hoàng Hoa Thám” (1987), “Dòng sông hoa trắng” (1989)... đều có những màu sắc sáng tạo riêng. Chất dữ dội và chất lãng mạn hòa quyện nhuần nhuyễn trong “Dòng sông hoa trắng”. Còn “Hy vọng cuối cùng” đã đem lại sự tưởng thưởng xứng đáng cho ông với giải Bông sen Bạc cho phim tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI và giải cá nhân Đạo diễn xuất sắc nhất.

Sức lao động không mệt mỏi của đạo diễn Trần Phương thể hiện với hàng loạt bộ phim sau này như “Vụ án hồ Con Rùa”, “SBC” (Săn bắt cướp), “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”, “Tình ngỡ đã phôi phai”, “Vệt sáng ngược”... Đây cũng là những phim thu hút khán giả, doanh thu cao. Và sau này khi đã bước sang tuổi “thất thập”, ông vẫn say sưa làm phim như “Đêm Bến Tre”…

Đạo diễn, NSND Trần Phương năm 2007 đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho bộ ba tác phẩm “Hy vọng cuối cùng”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Dòng sông hoa trắng”.

Nhiều diễn viên từng làm việc với Trần Phương đều ấn tượng về một người đạo diễn nghiêm túc, chuyên nghiệp nhưng rất yêu thương diễn viên. NSƯT  Vũ Hoàng Lan, từng đóng vai nữ chính trong phim truyền hình “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ” nói nhiều bạn trẻ thích gọi đạo diễn Trần Phương là “bố”.

Nhà quay phim, NSƯT Phạm Thanh Hà nhớ lại những kỷ niệm về ông: “Thế hệ chúng tôi thuộc hàng con cháu cụ. Tôi học quay phim cùng con trai cụ là anh Trần Lâm (sau đã mất). Sau này không nghĩ rằng mình có cơ hội được làm phim cùng cụ, thần tượng của chúng tôi. Tôi may mắn được quay cho cụ phim truyện điện ảnh “Tiếng sáo ly hương” và một số phim truyền hình như “Trung du”, “Ngã ba thời gian”, “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ”… Đã có dịp ngồi  với cụ trên canô lướt sóng ở cửa biển Trà Cổ (Quảng Ninh) khi quay “Tiếng sáo ly hương”. Cụ là người rất lãng mạn, có cảnh còn hát để tạo hứng cho diễn viên. Là 2 thế hệ khác nhau, cụ lại là đạo diễn nổi tiếng nhưng rất hòa đồng, vui vẻ. Cụ nhắc tôi: quay phim phải cố gắng tạo không gian thoải mái cho diễn viên được diễn tự nhiên, thoải mái, đừng vì quá chú ý tới khuôn hình mà để diễn viên khiên cưỡng. Khi cần “săn bắt con nghệ thuật”, cụ rất khó tính về hình ảnh, yêu cầu cao nhưng cảnh thường thì cụ để quay phim tự do sáng tạo dĩ nhiên phải theo đúng ý đồ phim. Cụ dặn: người quay phim phải luôn ẩn sau khuôn hình…”.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Đạo diễn Việt tìm diễn viên cho phim kinh dị đầu tiên của Châu Á về ma đói

Thái An |

"Mật mã 45: Ma đói" (Hunger: The code 45) là phim kinh dị mới và đạo diễn Lương Đình Dũng đang tìm diễn viên cho các vai chính.

3 bộ phim ghi dấu ấn của đạo diễn Victor Vũ

Tuấn Đạt |

Được đánh giá là một đạo diễn tài năng của điện ảnh Việt, Victor Vũ mang một luồng gió mới với những tác phẩm mang nét rất riêng, cá tính.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam quyên góp được hơn 5 tỉ ủng hộ Đà Nẵng chống dịch

Linh Chi |

Nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu con tim hướng về”, đêm nhạc gây quỹ do Đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng đã kêu gọi được 5 tỉ đồng.

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.