13 năm trước, khi ấy chị đang là diễn viên “đinh” ở Nhà hát Tuổi trẻ, là nhan sắc được yêu thích bậc nhất của màn ảnh nhỏ... Chị đột ngột dừng lại tất cả, tuyên bố ngừng diễn xuất, rời nhà hát, để dành thời gian chăm lo cho gia đình. Nếu một lần trải lòng, chị có thể chia sẻ những khó khăn khi đứng trước quyết định ấy?
Mọi sự lựa chọn đều có cái giá của nó. Cái giá phải trả ấy, đôi khi không phải do chúng ta trả, mà do người thân phải trả cho chính sự lựa chọn của chúng ta.
Khi tôi sinh em bé đầu tiên, tôi phải đi làm phim từ sáng đến đêm. Thời điểm ấy, con tôi mới 2 tháng, tôi bận rộn với lịch quay dày kín, gần như phải bỏ con ở nhà. Có những đêm, khi tôi về đến nhà đã 1-2h sáng. Đến 5h30 sáng lại phải dậy đi quay tiếp.
Ở trường quay, mẹ sữa chảy ướt áo, con ở nhà lại khóc quấy vì khát sữa. Những điều ấy ám ảnh tôi. Lại có quãng thời gian tôi theo nhà hát đi lưu diễn, có khi đi đến 10-15 ngày không về, khi về đến nhà, con không còn nhận ra mẹ.
Con tôi đã phải hy sinh cho mẹ, vì mẹ quá bận. Tôi tự nhận thấy mình chưa làm tốt vai trò của người mẹ. Nhưng lúc ấy, cuộc sống khó khăn, tôi gánh trên vai áp lực mưu sinh. Không đi làm, không có tiền trang trải. Tôi nhớ thời điểm ấy, tôi áp lực khủng khiếp.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nói với con gái, ở bất kỳ lựa chọn nào, cũng phải có sự hy sinh. Con tôi đã hy sinh cho những lựa chọn công việc của tôi. Cháu phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi mẹ bận rộn, lo toan kinh tế.
Bởi vậy, khi sinh bé thứ 2, tôi quyết định dừng lại tất cả để chăm lo cho con cái, gia đình. Tôi đã suy nghĩ rất lâu và đặt câu hỏi, tôi chọn công việc để xa rời con cái như thế, có đáng không?
Sau cùng, tôi quyết định nghỉ diễn, rời nhà hát. 13 năm đúng là quãng thời gian rất dài so với cuộc đời một nghệ sĩ, nhưng lại là quãng thời gian cần thiết cho tuổi thơ của các con tôi.
Chị có khi nào đặt câu hỏi, nếu tiếp tục với nghề diễn, tiếp tục là mỹ nhân màn ảnh, bây giờ chị đã đi bao xa?
Tôi không hối hận gì cả. Tôi không nuối tiếc, vì như tôi nói, mọi sự lựa chọn đều có cái giá của nó. Nếu tôi hối tiếc, 13 năm nghỉ của tôi sẽ là vô nghĩa.
13 năm ấy, việc được ở bên cạnh gia đình chăm sóc con cái chính là giá trị mà tôi nhận được.
Con cái tôi đã lớn lên đủ đầy, ngoan ngoãn, trưởng thành - đó là thành quả tôi có được. Với bậc làm cha mẹ như tôi, con cái là thành quả lớn nhất. Đích tôi đến không phải là danh tiếng. Danh tiếng cũng quan trọng, nhưng danh tiếng chỉ có ý nghĩa khi tôi đã làm tròn trách nhiệm với gia đình.
Tôi nghĩ mình đã được nhiều hơn mất.
Có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng không cần rời xa màn ảnh vẫn có thể chu toàn công việc, đảm đương trách nhiệm làm vợ làm mẹ. Hay chị là người quá cầu toàn?
Tôi là tuýp phụ nữ của gia đình, luôn hướng về gia đình.
Bạn bè vẫn kể, ngay khi ở đỉnh cao sự nghiệp, nhan sắc rực rỡ, Quách Thu Phương vẫn luôn là người phụ nữ chăm chỉ, chịu khó, sẵn sàng làm tất cả mọi việc trong nhà từ giặt giũ, cơm nước, đến chăm lo con cái...
Đúng như thế.
Ở một phía khác của câu chuyện, mỗi chúng ta cũng cần được sống cuộc đời của riêng mình. Chúng ta chỉ có thể là chính mình khi được làm công việc mình đam mê, yêu thích. Được biết, khi lựa chọn gia đình, gác lại tất cả sự nghiệp, chị cũng đã phải đối diện với quãng thời gian khó khăn. Hành trình 13 năm ấy, cũng là hành trình Quách Thu Phương đi tìm lại chính mình...?
Thời điểm sau khi nghỉ việc, tôi có quãng thời gian hụt hẫng, rơi vào trầm cảm. Tôi nén lại tất cả cảm xúc, chịu đựng một mình. Nhưng đến một giai đoạn, tôi tự cảm thấy không ổn. Tôi dễ nổi giận với tất cả mọi thứ xung quanh, đá thúng đụng nia, gia đình căng thẳng, mắng con cái vô lý...
Có những việc chẳng đáng, nhưng mình làm quá lên. Và rồi, tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, như thế không ổn, tôi phải cân bằng lại.
Tôi đến với yoga. Chính yoga đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ, trạng thái, tâm lý, sức khỏe... Sau đó, tôi trở thành huấn luyện viên yoga.
Tôi đã có hành trình 13 năm vượt qua chính mình và tái sinh. Tôi bây giờ là Quách Thu Phương ở phiên bản mới. Tôi tự khám phá bản thân để tìm thấy mình, tôi sống vui vẻ, tích cực, cởi mở hơn.
Khi tôi quay lại đóng phim, đồng nghiệp đều nói, tôi như trở thành một người khác. Trước đây, tôi sống khép kín và luôn giữ mọi thứ cho riêng mình, nén mọi nỗi niềm vào trong.
Đi qua sóng gió, chị có “tái sinh” trong cả cách nhìn nhận về hôn nhân và hạnh phúc?
Trong một cuộc hôn nhân, phụ nữ thường có xu hướng nghĩ mình thiệt thòi hơn, nhưng đàn ông cũng có nỗi khổ riêng của họ. Đàn ông phải gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm với gia đình, vợ con. Họ sống giữa áp lực công việc và trách nhiệm gia đình.
Tôi đã đọc cuốn “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”. Phụ nữ và đàn ông là 2 thế giới hoàn toàn khác biệt, từ bản năng đến suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống. Bởi vậy, khi về sống chung, cả hai đều phải chịu đựng, và cùng phải học cách chấp nhận nhau.
Tình yêu là liều thuốc có hạn sử dụng. Chỉ có sự chia sẻ, thấu cảm mới giúp hôn nhân vững bền.
Có phải những người từng trải, từng đi qua tổn thương, khi nhìn lại sẽ bao dung hơn không, theo chị?
Có lẽ thế. Sẽ nhận ra rằng, mọi việc thực ra rất giản đơn. Khi mình suy nghĩ và phản ứng tiêu cực, thì người đầu tiên phải chịu tổn thương, chính là mình.
Mỗi chúng ta tránh gây tổn thương cho người khác chính là tránh gây tổn thương cho bản thân.
Tôi đã đọc rất nhiều và vỡ lẽ ra nhiều giá trị. Tôi học cách sống tích cực, suy nghĩ tích cực, để mình hạnh phúc, bình yên từ bên trong.
Sẽ phải cần đến hành trình dài để chúng ta nhận ra rằng, nếu trong mọi việc, chúng ta đặt mình vào địa vị của đối phương để suy nghĩ, chúng ta sẽ hành xử thấu đáo hơn, thay vì chỉ nghĩ cho bản thân.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, tâm lý con người theo đó cũng trở nên phức tạp hơn, số đông đều đề cao cái tôi của mình. Chị có cho rằng, lý thuyết và thực hành trong hôn nhân sẽ ngày càng khác xa nhau?
Hệ tư tưởng ở mỗi thế hệ đều có giá trị riêng, có những đặc điểm riêng. Hôn nhân bây giờ khác nhiều so với trước đây.
Theo quan điểm của tôi, sự khác biệt lớn nhất nằm ở sức chịu đựng. Với thế hệ bố mẹ tôi, dù có xảy ra chuyện gì, họ cũng sẽ nhẫn nhịn.
Họ đối mặt với quan niệm, định kiến và những tư tưởng đã ăn sâu vào suy nghĩ chung của xã hội.
Còn hiện tại, tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng vì những người trẻ không muốn chịu đựng nữa. Quan điểm này cũng không sai.
Khi mâu thuẫn vượt quá giới hạn, một người cảm thấy không được tôn trọng, họ không cần thiết phải giữ gìn mối quan hệ đó.
Các bạn trẻ bây giờ dám nghĩ, dám nói, dám làm. Họ muốn tận hưởng cuộc sống hết mức khi quan niệm, cuộc sống này ngắn ngủi, không dài như ta nghĩ.
Nhưng cũng không nên vì thế mà ta sống gấp, sống vội để rồi quyết định sai. Nếu không còn phù hợp, ta nên nhẹ nhàng buông tay để hướng đến cuộc sống hạnh phúc hơn.
Bây giờ, chị miêu tả về hạnh phúc như thế nào?
Là sự bình yên, nhẹ nhàng. Là niềm vui từ những điều nhỏ nhất. Nhìn mọi khó khăn với ánh nhìn bao dung, tự tại.
Tôi nghĩ trên đời, mọi thứ đều có lý do. Cuộc sống sẽ bày ra muôn vàn khó khăn thử thách để chúng ta vượt qua, để chúng ta nhận ra giá trị của hạnh phúc.
Qua sóng gió, chúng ta cũng sẽ nhận ra giá trị của bản thân.
Chính sóng gió, sẽ giúp bạn hoàn thiện mình, giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.