Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), Mạc Thiên Tích (1718-1780) mở Tao đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên. Đây không chỉ là tao đàn thứ 2 trong tiến trình văn học Việt Nam (sau Tao đàn Nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập), mà còn có những dấu ấn như sự mở đầu của cuộc cách mạng văn chương gắn bó với cuộc sống.
Là thế hệ thứ 2 của dòng họ Mạc (Mạc Cửu, 1655-1735) đến định cư tại Hà Tiên, ông mang trong người hai dòng máu Việt – Hoa của cha, mẹ, lại giỏi cả chữ Hán, chữ Nôm và nói rành tiếng Việt nên tao đàn do ông khởi xướng cũng có nét độc đáo khi có cả sáng tác chữ Hán lẫn chữ Nôm.
Trong 30 năm (1736-1771) hoạt động, thi phái Chiêu Anh Các đã thu hút gần 70 người xướng họa, với 7 tập chữ Hán và 1 tập chữ Nôm. Điều này cho thấy sức tập hợp của tao đàn rất mạnh mẽ. Đáng tiếc là ngày nay phần lớn sáng tác này đã thất lạc, nhưng với những gì còn lại, điển hình là "Hà Tiên thập vịnh"... cho thấy thi phái này không ca ngợi cảnh đẹp từ điển cố, tích xưa như những người đi trước.
Dưới vai trò người khởi xướng, Hà Tiên trấn Đô đốc Mạc Thiên Tích đã hướng thi phái Chiêu Anh Các sáng tác ca ngợi cảnh đẹp ngay nơi họ sinh sống với cảnh thật, người thật và lấy niềm vui tiêu khiển thực tế để động viên con người vui sống, có thêm động lực lao động. Điển hình như: “Đông Hồ ấn nguyệt” (trăng in bóng trên đầm Đông Hồ), Giang Thành dạ cổ (tiếng trống khuya ở Giang Thành)... Chính điều này đã khiến cho nhà bác học Lê Quí Đôn đánh giá rất cao giá trị văn chương - lịch sử trong sáng tác của tao đàn: “Không chỉ giúp chúng ta biết được núi sông Hà Tiên... mà có thể thay vào sử ký Hà Tiên”.
Độc đáo hơn, là từ tao đàn này đã khơi dòng cho 2 thi xã ở Nam bộ ra đời: “Bình Dương thi xã” và “Bạch Mai thi xã”. Tuy nhiên, điều đáng nói và trân trọng hơn là từ những sinh hoạt văn chương của Tao đàn Chiêu Anh Các đã khai sinh cho Hà Tiên hoạt động thơ văn rất độc đáo vào dịp Nguyên Tiêu. Đặc biệt những năm gần đây, với tinh thần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh Kiên Giang, TP. Hà Tiên đã quan tâm, đầu tư nhiều chương trình thiết thực nhằm nâng cao giá trị của Tao đàn Chiêu Anh Các.
Bên cạnh việc phát huy hình thức sinh hoạt văn chương vào dịp Nguyên tiêu với những hoạt động trình bày những bài thơ xưa, những sáng tác mới... dưới nhiều hình thức ngâm thơ, phổ nhạc rất độc đáo, đến năm 2019 còn đầu tư đưa vào sử dụng Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các”.
Tọa lạc trong quần thể Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa núi Bình San (phường Bình San, TP. Hà Tiên), Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các có tổng diện tích xây dựng hơn 14.000 m², gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm chính (198 m²), được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ 5 gian, 2 tầng, bằng gỗ lim. Sân nền, bồn hoa cây xanh, sân khấu ngoài trời, cổng rào… với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 15 tỉ đồng được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.