Văn hóa quốc gia là gì?
Theo PGS-TS Vương Xuân Tình - nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, văn hóa quốc gia là một khái niệm có tính quốc tế. Đó là những yếu tố, giá trị văn hóa có tính phổ quát cho tất cả các tộc người hay nhóm xã hội trong quốc gia đó.
Theo các nhà nghiên cứu thế giới, mặc dù toàn cầu hóa, quốc gia vẫn tồn tại với tư cách là một thực thể văn hóa - nơi những kinh nghiệm được chia sẻ, có cơ sở giáo dục, văn hóa để định hình giá trị của hầu hết mọi người trong quốc gia. Khi giá trị văn hóa cơ bản được định hình, các vùng trong một nước có xu hướng tập hợp theo quốc gia thay vì phân tán và trộn lẫn với vùng của các quốc gia khác.
PGS-TS Vương Xuân Tình cho biết, nội hàm của văn hóa quốc gia bao gồm nhiều thành tố như ngôn ngữ quốc gia, đây là ngôn ngữ được tỉ lệ lớn cư dân của một quốc gia sử dụng, là ngôn ngữ chính thức ở quốc gia đó và thường được chính phủ hoặc cơ quan lập pháp công nhận, ở Việt Nam tiếng Việt được xác định là ngôn ngữ quốc gia trong Hiến pháp.
Biểu tượng quốc gia, là hình ảnh tượng trưng và đại diện cho một quốc gia, phản ánh bản sắc quốc gia đó, đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết bằng cách nhắc nhở người dân về các nguyên tắc và lịch sử quốc gia.
Thiết chế văn hóa quốc gia, thiết chế đồng nghĩa với các tổ chức văn hóa của quốc gia, nhằm tổ chức hoạt động, quản lý và truyền bá văn hóa quốc gia, ở Việt Nam thiết chế văn hóa ngoài tổ chức còn được hiểu là cơ chế và sự vận hành văn hóa.
Vai trò của văn hóa quốc gia với phát triển
PGS-TS Vương Xuân Tình khẳng định, văn hóa quốc gia có chức năng kết nối công dân thuộc các tiểu văn hóa như tộc người, tôn giáo hay nhóm nghề nghiệp, tạo thành nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.
Trong khía cạnh văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của văn hóa tộc người. Ở cấp cộng đồng, không phải tộc người nào cũng có nhà cộng đồng, vậy nên nhà văn hóa - khu thể thao thôn thuộc thiết chế văn hóa quốc gia đóng vai trò hữu ích trong phát triển hiện nay.
Thiết chế văn hóa quốc gia góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, thông qua các quy định về giữ gìn văn hóa truyền thống như xây dựng làng văn hóa, làng văn hóa du lịch, ngày hội văn hóa các cấp (huyện, tỉnh), ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội văn hóa một số tộc người, ngày hội văn hóa vùng…
Các tổ chức của quốc gia như các cục, hệ thống bảo tàng, trung tâm văn hóa các cấp, các hội chuyên ngành của trung ương, các hội văn học nghệ thuật địa phương… tham gia bảo tồn, góp phần vào công cuộc phát huy giá trị văn hóa tộc người.
Hội Văn học Nghệ thuật ở các tỉnh đều có tạp chí, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn có tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn có Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên có Hội Văn nghệ Thái Nguyên, Hội VHNT tỉnh Sơn La có Tạp chí Suối Reo, Hội VHNT Thừa Thiên-Huế có Tạp chí Sông Hương, Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng có Tạp chí Lang BiAn… Các tờ tạp chí này đều có nội dung là những tác phẩm văn học, nghiên cứu lý luận phê bình, thơ, nhiếp ảnh… tất cả đều phản ánh đời sống văn hóa - xã hội của các dân tộc sống tại địa phương.
Những hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một ví dụ điển hình cho việc bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa tộc người.
Hướng tới chào mừng xuân 2023, trong tháng 12 này Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức rất nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc với chủ đề “Phiên chợ vùng cao ngày Tết - Chào xuân 2023”. Trong các hoạt động của mình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thường xuyên mời nghệ nhân từ các tỉnh tới giao lưu, trình diễn và thực hành văn hóa truyền thống.
Như vậy, văn hóa quốc gia là những yếu tố, giá trị văn hóa có tính phổ quát cho tất cả các tộc người hay nhóm xã hội trong một quốc gia, thuộc phạm trù văn hóa chính trị. Nội hàm của văn hóa quốc gia gồm 3 yếu tố chính là ngôn ngữ quốc gia, biểu tượng quốc gia và thiết chế văn hóa quốc gia. Văn hóa quốc gia có chức năng cấu kết và phát triển cộng đồng, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.