Xuân vẫn hiện hình hoa

Ghi chép của BÙI SỸ HOA |

Đón Xuân Giáp Thìn 2024 này, lịch sử hào hùng và hình bóng cha ông vẫn luôn song hành cùng cháu con hôm nay để bước tiếp những chặng đường xuân. Để ai ai cũng nhận ra “xuân vẫn hiện hình hoa” như cách nói của Thi nhân Lê Hữu Trác, với những dự cảm và khát vọng lớn lao băng băng về phía hạnh phúc, văn minh.

1. Trong dịp chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn 2024, được về tham quan, thực tế khá dài ngày ở Hoa Lư - Ninh Bình và vùng phụ cận, chúng tôi có dịp tìm hiểu cặn kẽ hơn về vùng đất cố đô, đất phát tích nhà Đinh (968-980).

Sự trùng hợp thật lý thú, đón Xuân Giáp Thìn 2024 với khát vọng đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới cũng là dịp cùng ngược dòng lịch sử, tìm về năm Mậu Thìn 968, thời điểm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng), đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đánh dấu lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có quốc gia độc lập, nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng.

Đi đến tận nơi, nghe nhìn trực tiếp mới thấy nơi đây, những di tích lịch sử đang được phát huy giá trị mỗi giờ, từng ngày; những truyền thuyết dân gian, những áng văn thơ lưu truyền từ hàng nghìn năm và tất cả những gì đang diễn ra sống động, hối hả hôm nay ở Cụm di tích Cố đô Hoa Lư và vùng đệm, ở dãy núi Tam Điệp, ở bãi sóng lấn biển Kim Sơn… vẫn đang nói với chúng ta rất nhiều điều về khí thiêng, vận hội, về khát vọng nghìn đời của một vùng đất có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ngẫm nhìn thế núi sông, mạch ngầm chảy ra từ đá lũy, lau vẫy trắng trời, mây trôi trắng chiều và cúc tần thơm ngát tâm can, nghe nơi đây, đâu đây tiếng cha ông thăm thẳm vọng về ấm áp, gụi gần. Ấy là thời kỳ mở đầu “Xây đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi” như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép. Ấy là ánh sáng tỏa rạng từ nét chữ khắc chìm trên viên gạch hồng “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (Gạch xây thành Đại Việt) không chỉ để thể hiện bản lĩnh lao động sáng tạo của người Việt, mà cao hơn hết là tiếp tục khẳng định hùng hồn khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử.

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh liên tục, bền bỉ, đầy gian khó nhưng vô cùng vinh quang để thực hiện khát vọng độc lập, tự chủ và cao hơn nữa là khát vọng hùng cường. Độc lập, tự chủ cũng chính là quá trình dựng nước và giữ nước, từ xa xưa đến nay không một phút giây ngơi nghỉ. Xây dựng đất nước ta “đàng hoàng, to đẹp” và thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường là mong ước cháy bỏng và quyết tâm son sắt của mỗi người dân đất Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thế hệ cháu con những người từng đổ mồ hôi và máu để “xây đô mới, đắp thành, đào hào...” hay đúc nên “gạch xây thành Đại Việt” nói trên, trong quá trình lịch sử đã tiếp tục xây đắp nên một nền văn hiến rực rỡ với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tiếp tục quá trình dài “mang gươm đi mở cõi” để làm nên Đất Nước Tiên Rồng với cơ đồ, tầm vóc rạng rỡ như ngày hôm nay.

2. Miền đất cố đô Hoa Lư nói riêng và Ninh Bình hôm nay rõ ràng đang sánh bước cùng Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội và các vùng đất lịch sử - văn hóa và cách mạng khác, không để cho quá khứ xa xôi trì níu, không để cho lạc hậu, chậm phát triển ngăn bước đi lên.

Trong rất nhiều chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này những năm gần đây, chúng tôi rất ấn tượng với kết quả “địa phương đã tự chủ ngân sách từ năm 2022”, trong đó riêng ngành du lịch sau đại dịch COVID-2019 đã phục hồi triệt để và thu được kết quả lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn, với nguyên nhân trực tiếp là lưu truyền, tồn giữ, lan tỏa khí thiêng sông núi, khai thác, phát huy các giá trị di tích cố đô Hoa Lư và phụ cận mà cha ông ta để lại từ hàng nghìn năm trước.

Nói đến đây, lại nhớ đến câu chuyện về Những năm Thìn đáng nhớ trong lịch sử. Đó là năm Canh Thìn 1460, Vua Lê Thánh Tông ra quyết sách quan trọng: Ai có nhiều thóc tình nguyện đem nộp cho Nhà nước thì tùy theo số thóc nộp lên mà được thưởng phẩm tước. Đây là khởi nguyên của công trái quốc gia.

Rồi đến năm Giáp Thìn 1484, cũng chính Vua Lê Thánh Tông cho lập bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu (Thăng Long) để khắc ghi tên tuổi các vị đỗ tiến sĩ từ khoa Đại Bảo thứ ba đến năm 1484. Từ đó về sau, Văn Miếu được tiếp tục dựng bia tiến sĩ.

Đòi hỏi thiết thực của ngày hôm nay, của thời đại khoa học và công nghệ phát triển cao là những người tài năng, giỏi giang, đỗ đạt đã và đang tự khắc tên mình bằng những công trình, sáng kiến cụ thể, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Ninh Bình tự đảm bảo được thu chi ngân sách, có đóng góp cho Trung ương hàng năm như nhiều tỉnh thành khác là hoàn toàn xứng đáng với việc được đón nhận phẩm tước như cha ông từng khuyến khích.

Ngày nay, việc học hỏi kiến thức khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, theo cách của Việt Nam chính là lập nên “bia tiến sĩ” mới trong thời đại mới. Mỗi cá nhân, tập thể, địa phương, ngành cùng cả nước đều đặt ra nhiệm vụ cụ thể, đích đến như vậy tức là đang từng bước thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường bằng hành động và kết quả thực tế.

Hẳn có nhiều người liên hệ tới “Khát vọng sông Hàn” từng đưa Hàn Quốc lên tầm “Con hổ châu Á” ngày nào, tới quá trình vươn lên xuất sắc của “Thần kỳ Nhật Bản” hay “Kỳ tích Singapore” rất đáng ngạc nhiên, đáng học hỏi. Bài học có nhiều, đã nói nhiều, có nội dung học và làm được, có nội dung phải tiếp tục nghiên cứu, chờ đợi thực tiễn rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, cuộc sống sinh động, vẫy gọi, khó khăn và ngáng trở không ít vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Con đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã từng bước khánh thành và đi vào khai thác đoạn Hà Nội (Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ninh Bình (Cao Bồ - Mai Sơn), tức đi qua mảnh đất cố đô Hoa Lư nghìn năm yêu dấu. Cao tốc phía Đông tiếp tục kéo dài đến Thanh Hóa (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), tiếp vào Nghệ An (Diễn Châu), đến Hà Tĩnh (Bãi Vọt) dù vẫn còn khó khăn đoạn này, chỗ nọ.

Chúng tôi vẫn đi ôtô từ Hà Nội, qua Ninh Bình, Thanh Hóa về Nghệ An và ngược lại, theo Quốc lộ 1A hết 4h30-5h00 mỗi lượt, nếu tắc đường thì còn chậm hơn. Nay đi theo đường cao tốc từ Hà Nội đến Vinh chỉ hết hơn ba giờ đồng hồ, thật là thuận tiện và khỏe khoắn. Tuyến đường này theo thiết kế dài 2.063km, kéo dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau là cơ sở thực tiễn về hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước với tốc độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

Hiện tại, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang dần đi qua địa phận Nghệ An, dần vượt sông Lam, đến Bãi Vọt - Hà Tĩnh. Đến đất Hà Tĩnh là đến quê hương Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, rồi ngược lên Hương Sơn, quê mẹ và là nơi làm nên tên tuổi Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người vừa được UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa Thế giới nhân kỷ niệm 300 năm sinh của Ông (1724-2024).

Và đến đây chúng ta lại gặp điều lý thú: Năm sinh của Danh nhân Văn hóa Thế giới Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác là năm Giáp Thìn 1724.

Lại nhớ, qua tác phẩm Thượng kinh ký sự (1783) nổi tiếng, người đọc biết được rằng, ngày ấy để đi từ Hương Sơn - Hà Tĩnh theo đường chùa Hương ra kinh đô Thăng Long theo “thánh chỉ” hỏa tốc của Chúa Trịnh, Lê Hữu Trác phải vừa lên thuyền, xuống đò, vừa bộ hành trèo đèo, lội suối, nghỉ ngắn, đi dài với quan quân hộ tống mất hơn nửa tháng trời!

Vất vả, khó khăn đến thế, công việc và cuộc sống không dễ dàng đến thế, vậy mà Danh y - Nhà thơ Lê Hữu Trác vẫn yêu cuộc sống này đến lạ kỳ qua bài Ngộ cố nhân, trong đó có hai câu tuyệt tác: “Nhất tiếu tình đa lưu lãnh hệ/Song mâu xuân tận hiện hình hoa” (dịch nghĩa là: Một nụ cười bao tình cảm, lệ tuôn chảy/Hai tròng mắt đã hết xuân bỗng hiện hình hoa).

Hà Nội - Nghệ An, cuối 2023, đầu 2024

Ghi chép của BÙI SỸ HOA
TIN LIÊN QUAN

Ấm áp mùa xuân nơi biên giới

Hoàng Bin |

Cận Tết, những cơn mưa phùn làm cho tiết trời ở huyện miền núi cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam se lạnh. Khi những món quà xuân từ đồng bằng chuyển tận tay bà con bản làng, giá rét của vùng biên cương xa xôi dường như được sưởi ấm.

Những người thầm lặng giữ gìn mùa xuân nơi biên cương tại Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Tết đang chuẩn bị gõ cửa, bà con bản mốc 13, xã Quảng Đức (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) háo hức chuẩn bị cho cái Tết thật đủ đầy, trọn vẹn. Góp sức vào bức tranh xuân dung dị ấy có vai trò không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng luôn đi đầu trong phát hiện và đấu tranh tố giác tội phạm.

Bí thư Hà Nội dâng hương nhân dịp đón mừng Xuân mới Giáp Thìn 2024

PHẠM ĐÔNG |

Lãnh đạo TP Hà Nội đã đến dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, Tượng đài vua Lê Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, Điện Kính Thiên và dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67.

Xe tải bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Duy Tuấn |

Bình Thuận - Xe tải đang lưu thông thì bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Tin 20h: Yên Bái kiểm tra nhà hàng "chặt chém" đoàn từ thiện

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 19.9: Bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù vào hôm nay; Yên Bái kiểm tra nhà hàng bị tố chặt chém đoàn từ thiện...

Phía Miss Universe nói về thông tin Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp

Huyền Chi |

Thông tin Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại Thương gây xôn xao mạng xã hội.

Thể Công Tân Cảng bảo vệ thành công chức vô địch giải bóng chuyền U23 Quốc gia 2024

Nhóm PV |

U23 Thể Công Tân Cảng thắng U23 Ninh Bình 3-1 tại chung kết giải bóng chuyền U23 quốc gia vào tối 19.9.

Chậu hoa giấy trên phố đi bộ ở Đà Nẵng đồng loạt "nằm" tránh bão

Nguyễn Linh |

UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết đã chủ động đặt nằm các chậu hoa giấy tại phố đi bộ Bạch Đằng để tránh thiệt hại bởi ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Ấm áp mùa xuân nơi biên giới

Hoàng Bin |

Cận Tết, những cơn mưa phùn làm cho tiết trời ở huyện miền núi cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam se lạnh. Khi những món quà xuân từ đồng bằng chuyển tận tay bà con bản làng, giá rét của vùng biên cương xa xôi dường như được sưởi ấm.

Những người thầm lặng giữ gìn mùa xuân nơi biên cương tại Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Tết đang chuẩn bị gõ cửa, bà con bản mốc 13, xã Quảng Đức (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) háo hức chuẩn bị cho cái Tết thật đủ đầy, trọn vẹn. Góp sức vào bức tranh xuân dung dị ấy có vai trò không nhỏ của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng luôn đi đầu trong phát hiện và đấu tranh tố giác tội phạm.

Bí thư Hà Nội dâng hương nhân dịp đón mừng Xuân mới Giáp Thìn 2024

PHẠM ĐÔNG |

Lãnh đạo TP Hà Nội đã đến dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, Tượng đài vua Lê Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, Điện Kính Thiên và dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67.