Ấn tượng nhất vẫn là chiến sĩ mình
Tháng Tư rồi, trong bài viết “Đi Trường Sa vẽ bộ đội mình”, tôi kể riêng về Hồ Minh Quân; chuyến đi Trường Sa lần thứ nhất của anh vào tháng 5.2013. Từ ngày 19-28.4.2022, anh Quân lại được chọn đến với Trường Sa, tham gia Đoàn công tác số 4. “Ngày trước, chuyến đi thường dài hơn 10 ngày, nay chuyến đi dài 9 ngày vì tàu Hải quân hiện đại lên rất nhiều! - Hồ Minh Quân chia sẻ - lúc 5 giờ sáng ngày 21.4, trong tôi cảm xúc vỡ òa, mãnh liệt, như chuyến đi đầu tiên, khi thấy đảo chìm Đá Nam - nơi xa xôi nhất. Tàu vào đảo khó, cả tàu nghẹn ngào khi nhìn thấy cán bộ chiến sĩ của đảo đứng dưới nước đón đoàn…
Đá Nam, An Bang - hai đảo còn nhiều khó khăn, hiện, mỗi CBCS mỗi ngày chỉ dùng 10 lít nước ngọt… Chuyến này, tôi lại được tới Song Tử Tây, Trường Sa lớn, Sinh Tồn, nhà giàn. Nhà giàn nay khác 9 năm trước - nhà mới nối nhà cũ bằng cây cầu, vững chãi thành một khối đẹp về kiến trúc. Mỗi nhà giàn một cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển!”
Về tay nghề, anh Quân tự hào: “So với lần đi đầu tiên, tôi dày thêm kinh nghiệm lấy tư liệu. Chuyến thứ hai này, tôi có tổng cộng 70 ký họa CBCS trên tàu, trên đảo. Giá tôi đủ sức ký họa chân dung tất cả những người mình gặp! Nhớ mãi nụ cười ánh mắt của họ, ai cũng muốn có một bức chân dung ký họa, đóng dấu Trường Sa làm kỷ niệm. Từ đây, tôi có lời đề nghị: Các chuyến đi Trường Sa lần sau, Hội Mỹ thuật Việt Nam nên cử họa sĩ không chỉ sức khỏe tốt, mà đặc biệt thật giỏi ký họa chân dung để mang niềm vui -“niềm vui ký họa chân dung” cho nhân dân, CBCS trên các đảo.
Họa sĩ đi Trường Sa, tôi nghĩ, cũng là một minh chứng cụ thể của nghệ thuật góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giữ gìn bảo vệ biển đảo quê hương”.
Sau chuyến đi lần hai, anh Quân dự trại sáng tác, xây dựng tác phẩm Lính đảo khổ 1mx1,12m và một bức kích cỡ 1,6mx1,6m. Bức “Chủ quyền” đã được đưa ngay vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Sau 9 năm, như anh Quân thấy, trong vòng tay Tổ quốc, đời sống nhân dân, CBCS đều tốt hơn rất nhiều, đặc biệt ở Trường Sa lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật an ninh quốc phòng cũng tốt, hiện đại hơn; chắc tay súng, chiến sĩ ta luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biển đảo của Tổ quốc.
Nghe tôi hỏi, tuy vậy, đất liền vẫn còn cần làm thêm gì hơn nữa cho Trường Sa thân yêu của chúng ta, giọng anh Quân bỗng chùng xuống, “Có một điều, ở Song Tử Tây, như những gì tôi thấy, thì rất mong đời sống bộ đội radar, bộ đội phòng không được quan tâm đầy đủ hơn nữa thì tốt hơn!”
Tổ quốc mình đúng là trên hết!
Hồ Minh Quân giới thiệu với tôi “Anh Hiếu rất hay! Mỗi lần đến đảo nào, anh ấy lại mang thức ăn cho lũ chó…”.
Thế là tôi cố gắng tìm hiểu về “Anh Hiếu rất hay” như lời anh Quân nói.
Trần Nguyên Hiếu là một cựu chiến binh - họa sĩ (đồ họa, vững nghề, độc đáo ở mảng khắc kim loại), từng là lính E 52, F337, F 338, năm nay 67 tuổi, nhập ngũ tháng 7.1974, tham gia kháng chiến chống Mỹ, mặt trận biên giới Tây Nam, chiến tranh Biên giới phía Bắc, rồi đánh cả Fulro…
Năm 2010 và năm 2019, cũng vào tháng 5, anh đã đến với Trường Sa. Năm 2012, tham gia triển lãm Biên giới, biển đảo quê hương, với bức Tưởng niệm Trường Sa.
Năm 2022 này, Trần Nguyên Hiếu tới với Trường Sa lần thứ ba cũng vào tháng 5, cùng Đoàn công tác số 8 - có sự tham gia của hơn 40 kiều bào về từ 17 quốc gia. Đoàn đã đến thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn A, Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây C, Trường Sa.
Trong chuyến đi lần thứ ba, “do có điều kiện hơn”, anh Hiếu mang cả trăm thẻ điện thoại mệnh giá cao để “tặng các con - (cách anh Hiếu gọi chiến sĩ trẻ), để các con gọi điện cho người yêu. Nhìn các con tôi nhớ tuổi hai mươi ra trận của mình…”.
Từ Hà Nội, qua điện thoại, tôi lắng nghe anh xúc động chia sẻ, “Đúng là mỗi một chuyến đi Trường Sa, lại thấy những khác biệt tốt đẹp hơn. Tôi thương các con vô bờ. Mong ước, Tổ quốc, kiều bào tiếp tục dang rộng vòng tay xây dựng đảo, mang tình cảm cho nhân dân, CBCS trên các đảo; mong họ sống đàng hoàng hơn nữa, vững tâm bảo vệ lãnh hải của mình. Đi, càng hiểu biết rằng, Tổ quốc mình đúng là trên hết!”.
Trưởng thành hơn sau chuyến đi đầu tiên
Họa sĩ Đặng Đình Dũng (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), năm nay ngoài 40, tham gia Đoàn công tác số 5 thăm Trường Sa, vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Thế mạnh trong sáng tác của Dũng là đồ họa (tranh cổ động); từng đạt 35 giải thưởng tranh đồ họa (tranh cổ động, biếm họa) cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Trả lời câu hỏi của tôi “là người xứ biển, em đến với Trường Sa thấy quen và lạ ở điểm gì?”, Dũng cười “Có hai điều tôi thấy quen khi đến với Trường Sa: Nhà tôi ở gần Lữ đoàn 170 Hải quân, lúc nào cũng nhìn thấy người chiến sĩ Hải quân. Sinh ra và lớn lên ở miền biển nên cảm nhận về biển không bỡ ngỡ…
Nhưng Trường Sa mang lại cho tôi chút lạ lẫm: Nơi đây đẹp quá, biển của ta, trời của ta bao la rộng lớn quá! Cũng là biển, cũng là người Chiến sĩ Hải quân, nhưng nơi tôi đến, người tôi gặp là ở trên vùng biển thiêng liêng, không phải ai cũng có cơ hội được đến. Chút lạ xen lẫn tự hào, xúc động…”.
Với Dũng, vẽ lính đảo như một lời tri ân, góp một phần nhỏ bé cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương. Dũng chia sẻ, “Chuyến đi 8 ngày đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, với tôi đó là chuyến đi lịch sử, đáng nhớ trong cuộc đời! Sau chuyến đi tôi nhận thấy mình trưởng thành rất nhiều trong suy nghĩ, hành động, cảm xúc, sáng tác. Chuyến đi cũng giúp tôi mở biên độ sáng tác các tác phẩm mỹ thuật về người chiến sĩ Hải quân. Không chỉ vẽ chân dung, ký họa cảnh vật, chuyến đi cũng giúp tôi sáng tác được nhiều tác phẩm ảnh thời sự và ảnh nghệ thuật về Hải quân, về biển, đảo… Sau chuyến công tác, tôi có trong tay khoảng 2.000 bức ảnh, 30 video - nguồn tư liệu quý giá để xây dựng những tác phẩm tranh nghệ thuật, tranh đồ họa (tranh cổ động) sau này”.