Chúng tôi, những người trẻ của Báo Lao Động đã có những trải nghiệm quý giá với những con sóng ở Trường Sa. Đó cũng là trải nghiệm của những người làm công tác đoàn khi đến thăm những nơi mà hai tiếng Tổ quốc chưa bao giờ thiêng liêng thế. Những nỗi nhớ thanh xuân ập về như những thước phim mà cậu phóng viên trẻ ghi lại trên chuyên trang Media Lao Động. Những con sóng khiến người ta gợi nhắc về ý nghĩa của chuyện đời, chuyện nghề. Thước phim mà người xem sởn gai ốc để nhớ về những ngày lênh đênh trên sóng nước Trường Sa…
Tôi là một trong những người may mắn có mặt trên chuyến tàu mang số hiệu Trường Sa 08 đến với 10 nhà giàn DKI ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc dịp Xuân Kỷ Hợi 2019. Đi để cảm nhận được và ngưỡng mộ những gian khổ mà người lính phải vượt qua để hướng đến nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Và đi để thực hiện công việc của một người làm báo với chuyến công tác đặc biệt nhất trong 1/3 cuộc đời.
Hành trang tôi mang theo lúc đó là 2 chiếc điện thoại, 1 loại smartphone và 1 “cục gạch”. Bởi lẽ, theo những kinh nghiệm của “người đi trước”, ra biển đến sóng điện thoại không có nói gì đến internet. Và để bắt sóng điện thoại, chỉ có “cục gạch” là tốt nhất. Đó là hai phương tiện duy nhất để tôi dùng viết bài khi “cưỡi” trên những con sóng lớn dịp cận Tết. Thời điểm đó, đội tuyển Việt Nam đang thi đấu tại Asian Cup 2019. Tôi không gọi được về đất liền cập nhật kết quả. Những tin nhắn của đồng nghiệp được gửi đến chỉ được nhận vào ngày hôm sau khi tàu di chuyển trên những vùng biển có sóng điện thoại cạnh các nhà giàn.
Và tất nhiên, hành trang tôi không thể thiếu chính là những tờ báo giấy Lao Động số mới nhất. Đấy là thói quen mà kể từ khi vào làm việc tại báo Lao Động, tôi vẫn thường làm khi đi công tác, đặc biệt là những chuyến đi xa dài ngày. Mang báo theo là để tự hào, là để ghi dấu với những nới mình đến. Và với chuyến đi trên con tàu Trường Sa 08 năm đó, tôi mang báo đến với các chiến sĩ ngoài đảo xa. Một nhà báo trẻ, dõng dạc giới thiệu với những chiến sĩ hải quân: “Tôi làm việc ở báo Lao Động, và đây là tờ báo của chúng tôi”.
Tôi gặp ở đó những chiến sĩ trẻ, những người: “Ngày đêm canh giữ đất trời/ Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”. Những chiến sĩ mới độ mười chín đôi mươi. Đó là giá trị của tuổi trẻ. Bài học đầu tiên mà tôi đã ghi vào trong nhật ký chuyến đi. Sự “hy sinh” của những người lính đâu chỉ có trong thời chiến, nó hiện hữu ngay cả thời bình để giữ bình yên cho Tổ quốc. Những ước mơ của họ được gửi trên những trang báo Lao Động mà tôi đã viết, đã chụp.
Bài báo đầu tiên tôi viết trong chuyến công tác đó là bằng điện thoại smartphone với hơn 1500 chữ gửi về toà soạn. Máy tính mang theo không thể mở bởi những cơn say sóng. Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là câu chuyện của những người lính ăn Tết xa nhà và có người sẽ xa vợ con đến cả 2-3 năm. Và cũng vì thế mà tôi hiểu giá trị của những cái ôm, những nụ hôn từ biệt. Trước khung cảnh ấy, người ta dễ mủi lòng. Nước mắt, nụ cười, hy vọng gửi lại đất liền khiến những người cầm bút như chúng tôi bị cuốn theo cảm xúc.
Hình ảnh Thiếu tá Nguyễn Tiến Long - Tiểu đoàn DK I trong giây phút chia tay vợ và con trên bến cảng đến bây giờ vẫn còn hiện lên khi tôi nhớ về chuyến công tác đó. Đấy là một sự chia ly khiến người ta yếu lòng trong vài khoảng khắc. Đó là chuyến đi mà những người ở lại cũng phải rưng rưng. Và đó cũng là cú bấm máy khiến những người làm báo như tôi không thể nào quên.