Theo đánh giá, năm 2021 là năm thứ 2 ngành Du lịch Việt Nam chịu sự tác động bởi đại dịch, mọi hoạt động gần như bị đình trệ.
Trải qua liên tiếp các đợt dịch và nhất là đợt dịch thứ 4 kéo dài đã khiến các doanh nghiệp trong khó khăn càng lâm vào tình cảnh kiệt quệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn lao động trong ngành du lịch thất nghiệp hay chuyển việc.
Dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp, vì thế việc mở cửa du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam không tránh khỏi việc phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu.
Vì thế, việc xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế sẽ là bài toán lớn đặt ra đối với du lịch Việt Nam.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, Việt Nam cũng đã điều chỉnh chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách của lãnh đạo Đảng, Chính phủ chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã định hướng, mở đường cho du lịch phục hồi trở lại.
Trọng tâm trong năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, đạt hơn 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỉ đồng.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sơ kết 5 năm thực hiện, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW phù hợp với tình hình mới.
Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.
Đề án phát triển bền vững du lịch biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Chiến lược Marketting du lịch Việt Nam.
Xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch: Kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn; tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và một số loại hình du lịch mới.
Đồng thời, tập trung xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 và các giai đoạn đến 2030 - 2040. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh. Từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Ngoài ra, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đặc biệt chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng tiện ích cho khách du lịch, tăng cường phát triển và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông mới trên các nền tảng công nghệ số; xây dựng và triển khai các dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, tăng tiện ích sử dụng, tích hợp trên nền tảng số cho khách du lịch.
Năm 2021, du lịch Việt Nam đón lượng khách nội địa khoảng 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020. Khách quốc tế tới Việt Nam “vắng bóng” sau 19 tháng và bắt đầu quay trở lại vào giữa tháng 11.2021, ước tính số lượng khách thông qua các chuyến bay trọn gói đến cuối năm 2021 từ 3 - 3.500 lượt.
Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỉ đồng, giảm 42% so với năm 2020. Ước tính đóng góp GDP của ngành Du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97% (năm 2020 đạt 3,58%).