Điểm nhấn trong tuần

Đừng lạm dụng hai chữ “Quốc phục”

Đặng Chung |

20 năm qua, đã có hàng chục hội thảo quốc gia bàn về lễ phục, quốc phục. Bộ VHTTDL cũng phát động nhiều cuộc thi thiết kế, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa để đi tìm mẫu trang phục hội đủ các yếu tố chọn làm quốc phục Việt Nam. Nhưng những cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết và cho đến nay vẫn chưa có một quy chuẩn nào cho quốc phục.

Những ngày qua, cuộc tranh luận đó lại “nóng” trở lại, khi trang phục của đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu siêu quốc gia 2016, nặng hơn 45kg, với những chi tiết cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông với tên gọi “quốc phục Sen vàng Việt Nam”. Tranh cãi bởi lẽ, nhiều người mặc định áo dài mới là trang phục hội đủ nét đẹp truyền thống và việc đem áo dài đi dự thi phần thi "National costume" - trang phục dân tộc - tại một cuộc thi nhan sắc thế giới là điều hiển nhiên.

Nhưng cũng có một thực tế mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã nêu ra xung quanh câu chuyện tranh cãi về quốc phục này, là chúng ta đừng nhầm lẫn các khái niệm quốc phục và thời trang. Vì thời trang được sáng tạo trên tinh thần bản thân tác giả muốn đề cao giá trị văn hóa Việt Nam. Còn quốc phục thì thiêng liêng như quốc ca, quốc hoa vậy, nên đừng lạm dụng, dù rằng cái mới, sự sáng tạo luôn được đề cao.

Năm người mười ý

Với đề bài “quốc phục phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam”, từ nhiều năm nay các cuộc thi thiết kế lễ phục nhà nước đã được tổ chức. Nhưng kết quả thu về là… không tìm ra được mẫu thiết kế lễ phục ưng ý, bởi những người trong cuộc vẫn chưa quyết định được bộ trang phục nào chính thức sẽ trở thành quốc phục.

Bản thân là người trong cuộc, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng phải thừa nhận mọi việc không dễ như vẫn tưởng, bởi “năm người mười ý”, tranh luận mãi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Chưa kể, trang phục đẹp với người này, lại là xấu với người khác. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã mời 15 nhà thiết kết thời trang nổi tiếng của Việt Nam như Minh Hạnh, Lan Hương, Sỹ Hoàng… tham gia thiết kế bộ lễ phục, nhưng kết quả vẫn chưa đi đến đích cuối cùng.

Chưa có quy định cụ thể, nhưng lâu nay, áo dài truyền thống được mặc định là lễ phục cho nữ giới, còn việc lựa chọn âu phục hay áo dài khăn xếp cho nam giới lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chính vì lựa chọn quốc phục là một vấn đề nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nên mọi phương án vẫn đang được cơ quan quản lý văn hóa “nâng lên đặt xuống”, và mới chỉ ở mức độ thăm dò dư luận.

Từ “quốc phục” đang bị lạm dụng

Trong khi quốc phục được gọi với ý nghĩa trân quý, gắn với những gì thiêng liêng, thì trong nhiều năm nay, hai từ này được nhiều người sử dụng để chỉ những bộ trang phục dành cho các người đẹp mang đi dự thi đấu trường nhan sắc ở nước ngoài. Không có quy định nào cho điều đó, nhưng vì để cho dễ gọi, hoặc tự PR cho bản thân, các nhà thiết kế tự gắn từ quốc phục với các sản phẩm thời trang của mình. Họ mặc nhiên rằng, trang phục được một người đẹp mặc để dự thi trong phần thi Trang phục dân tộc là “quốc phục”, đại diện cho văn hóa của quốc gia.

Thậm chí mới đây, Công ty Hoàn vũ Việt Nam - đơn vị giữ bản quyền đưa thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (Miss Universe) còn phát động cuộc thi thiết kế quốc phục cho đại diện Việt Nam tham gia Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm nay. Họ đưa ra tiêu chí là sáng tạo, phá cách, nhưng vẫn phải quảng bá được văn hóa Việt đến bạn bè thế giới. Nếu trước đây, những bộ áo dài khăn đóng truyền thống được ưu tiên, thì nay nhiều nhan sắc Việt cũng không ngại ngần chọn các trang phục cầu kỳ, phá cách, từ áo bà ba, áo tứ thân đến áo yếm và cũng mặc nhiên gọi đó là quốc phục.

Theo nhà thiết kế Thuận Việt, thì chúng ta cần phân biệt rõ giữa quốc phục và trang phục lấy ý tưởng từ các họa tiết văn hóa dân tộc. Anh cho rằng đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Và không nên lạm dụng từ “quốc phục” bởi nói đến quốc phục là nói đến sự thiêng liêng của một biểu tượng văn hóa đặc trưng của cả cộng đồng. Cũng theo Thuận Việt thì những thiết kế được sử dụng trong một cuộc thi nhan sắc chỉ nên gọi là “trang phục dân tộc”.

Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng từ quốc phục đang bị lạm dụng và bản thân những người dùng hai từ đó vẫn chưa hiểu hết về ý nghĩa của nó. “Bản thân nhà thiết kế gọi là quốc phục, chứ thực tế đây chỉ là bộ quần áo thí sinh Việt Nam mặc và muốn thông qua bộ quần áo đó thể hiện văn hóa của người Việt tại một cuộc thi quốc tế. Xưa nay Việt Nam luôn coi áo dài của người phụ nữ mang tính chất biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam hiện đại, nhưng chưa coi đó là quốc phục và quốc phục nam cũng chưa có. Cho nên hai chữ quốc phục cũng đừng lạm dụng nó” - nhà sử học nói.

Đừng khoác áo quá rộng!

Gần đây, câu chuyện tranh cãi về quốc phục tiếp tục tốn không ít giấy mực, khi trang phục của nhà thiết kế Lê Long Dũng, có tổng chiều cao lên đến gần 4m, đuôi áo dài hơn 3,5m, sải cánh 2m và có số cân nặng lên tới gần 45kg, được gọi là quốc phục để đại diện Việt Nam dự thi ở Hoa hậu Siêu quốc gia.

Theo Lê Long Dũng thì thiết kế của anh lấy cảm hứng từ sự nữ tính, dịu dàng của mẹ Âu Cơ hòa quyện cùng vẻ dũng mãnh, oai hùng của cha Lạc Long Quân. Ngoài ra, phần váy và yếm của những cô gái Đông Sơn xưa kia còn được cách điệu thêm với dải băng chéo vai trang trí hoa văn sóng nước và đá pha lê. Nhà thiết kế cho rằng đây là sự sáng tạo và cách tân của mình.

Tuy nhiên trang phục mà nhà thiết kế tự nhận là quốc phục đã hứng chịu luồng ý kiến tranh cãi trái chiều, mà đa phần là chê. Người nói quá hở hang, người chê cồng kềnh. Người lại cho rằng là sản phẩm của sự lai căng khi “nửa tây, nửa ta” và còn ví như trang phục của game “Võ lâm truyền kỳ”. Nhiều người thậm chí còn lo ngại, với trọng lượng 45kg, bộ trang phục này có thể làm khó thí sinh khi di chuyển trên sân khấu hoặc không thể tránh được những sự cố đáng tiếc. Và đúng là Khả Trang đã bị vấp ngã khi biểu diễn, khiến cô bị thương ở đầu, tay chân bầm tím, nhưng trang phục này lại giúp cô giành được giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất”. Tuy vậy, không nhiều người đồng tình cho rằng thiết kế “Sen vàng Việt Nam” có thể được gọi là quốc phục.

“Sáng tạo luôn là điều cần thiết, không riêng gì với thời trang, nhưng khoác cho sản phẩm của mình cái tên quá to, hoành tráng và thú thật không biết gọi là gì, tôi e rằng hơi quá! Váy của Khả Trang hay sáng tạo của Lê Long Dũng có vẻ đủ cho trường hợp này, còn bảo đó là quốc phục, xin thưa rằng hơi ngộ nhận” - độc giả Hà Phương nêu ý kiến.

“Tôi thử hỏi ai trả lời được Quốc phục Việt Nam là gì? Chắc chắn ít người nói được, ngay bản thân áo dài Việt Nam đã phải là quốc phục hay chưa, nó phải thống nhất màu gì, ai mặc, mặc dịp nào, ngoại giao khác, giải trí khác. Vì thế, theo tôi hãy thoát khỏi chữ quốc phục, không nên mặc định gọi trang phục của các cô gái đi thi nhan sắc quốc tế là quốc phục được” - là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Xưa nay, việc sáng tạo luôn được khuyến khích, nhất là trong lĩnh vực thời trang. Nhưng việc tự ý gọi các trang phục của hoa hậu Việt đi thi quốc tế là quốc phục, e rằng đã khoác cho chúng “chiếc áo quá rộng”. Đó cũng là nguồn cơn gây tranh cãi.

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Người dân Hà Nội chen chân trên phố Hàng Mã chơi Trung thu

NHÓM PV |

Tối 16.9 (tức 14.8 Âm lịch), hàng ngàn người dân đổ về khu vực phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để vui chơi Trung thu khiến tuyến phố trở nên ùn tắc.

Kịch bản đường đi khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên bão số 4

AN AN |

Đại diện cơ quan khí tượng nhận định áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão số 4 và khả năng tác động đất liền nước ta.

Tạm giữ lái xe ô tô cán học sinh tử vong trong sân trường

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự người lái xe ô tô bán tải cán tử vong em học sinh lớp 2 ngay trong sân trường.

Lô đất trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2 ở Hà Nội bị bỏ cọc

CAO NGUYÊN |

Dù đã hết thời gian nộp tiền nhưng đến nay lô đất có giá trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2 ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) vẫn chưa đóng tiền.

Hà Nội tắc đường cả cây số, người dân ì ạch di chuyển

Nhóm PV |

Tối 16.9, nhiều tuyến đường tại Hà Nội tắc cứng do giờ tan tầm và lượng người đổ ra đường đi chơi Trung thu.

Nga dồn ép quân Ukraina khỏi Kursk theo nhiều hướng

Song Minh |

Lực lượng Ukraina ngày càng bị đẩy lùi khỏi nhiều khu định cư ở tỉnh Kursk của Nga.

Cho thôi việc Bí thư huyện Vĩnh Cửu theo nguyện vọng

MINH CHÂU |

Ông Nguyễn Văn Thuộc - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai chấp thuận cho thôi việc theo nguyện vọng.

Tinh giản biên chế 82.295 công chức, viên chức

LƯƠNG HẠNH |

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, từ năm 2016 đến năm 2023, đã tinh giản biên chế 82.295 người.