Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ thông tin tương đối phát triển và nhận được nhiều sự ủng hộ của chính phủ trong việc số hóa các tư liệu. Trong tương lai không xa, công chúng sẽ dễ dàng truy cập các Di sản tư liệu quý, hiếm. Tọa đàm "Hành trình ghi danh Di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai" là cơ hội giúp các đại biểu chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm trong công tác bảo quản và phát huy giá trị các Di sản tư liệu quý mà chúng ta đang sở hữu.
Đến tham dự toạ đàm "Hành trình ghi danh Di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai" có Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Cục Di sản Văn hóa; Đại diện Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam và các nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, Cục văn thư lưu trữ Quốc gia, các chuyên gia, các nhà ngoại giao, các nhà quản lý Di sản tư liệu....
Phát biểu tại chương trình "Hành trình ghi danh Di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai", ThS. Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết, UNESCO đã thiết lập Chương trình Ký ức Thế giới vào năm 1992 nhằm bảo vệ Di sản tư liệu của thế giới thuộc về tất cả mọi người.
Di sản tư liệu thế giới là những ký ức quý giá chung của nhân loại, cần được bảo tồn và bảo vệ đầy đủ.
Di sản tư liệu bao gồm những ký ức giá trị mà con người đã tạo ra và ghi chép lại trên tất cả các loại vật liệu, từ đá, gỗ, giấy, vải, da, bản ghi âm, hình ảnh…
"Việc bảo vệ và chia sẻ Di sản tư liệu đa dạng theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận và bảo vệ những thông tin, tri thức đa dạng mà con người đã tạo ra, để hiểu biết về quá khứ, sử dụng những tri thức đó để nhận diện đầy đủ hơn hiện tại, và có bề dày dữ liệu thông tin phục vụ cho việc dự báo tương lai" - ThS. Phạm Thị Thanh Hường nhấn mạnh.
ThS. Phạm Thị Thanh Hường cũng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đã có 9 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, gồm 3 Di sản tư liệu thế giới và 6 Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là bằng chứng cho sự tham gia tích cực của Việt Nam và cam kết mở rộng tiếp cận cho công chúng nói chung với các tư liệu độc bản có giá trị.
Cũng trong sáng ngày 9.12, TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cho ra mắt cuốn sách "Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam".
Cuốn sách "Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam" là những cống hiến, sự tâm huyết của TS. Vũ Thị Minh Hương.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để các cơ quan, địa phương và các cá nhân hiểu biết thêm về Chương trình Ký ức Thế giới, đặc biệt là đối với những ai đã và đang quan tâm đến Di sản tư liệu.