Trao đổi với PV Báo Lao Động, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế - một trong những nghệ nhân cuối cùng của nghề làm tranh Đông Hồ cho biết, quan niệm xa xưa "con trâu là đầu cơ nghiệp"; trâu là loài vật hết sức gắn bó với người dân Việt Nam, đặc biệt tại các làng quê trong sinh hoạt nông nghiệp.
Chính bởi vậy, hình tượng con trâu được nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết, trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều bức tranh như "Mục đồng thổi sáo", "Chăn trâu thả diều", "Chọi trâu", "Hiếu học"...
"Năm nay là năm Tân Sửu, nắm bắt thị hiếu của khách hàng nên những bức tranh về trâu được chúng tôi sản xuất nhiều hơn" - ông Nguyễn Đăng Chế cho biết.
Giới thiệu những bức tranh có hình tượng trâu, ông Chế cho hay "Mục đồng thổi sáo" là bức tranh tiêu biểu nhất, mang nhiều ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.
Trong bức tranh này, hình ảnh một chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dựng đứng như một chiếc ô. Xung quanh là cỏ cây đất trời rộng lớn. Bên góc phải bức tranh, các nghệ nhân có ghi dòng chữ "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh).
Trâu trong bức tranh được nghệ nhân dân gian chăm chuốt với đôi tai vểnh lên nghe ngóng, chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, đuôi ve vẩy khoan khoái.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, bức tranh thể hiện ước nguyện thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Đó là ước vọng được hoà hợp với thiên nhiên, để có sự thuận lợi cho vụ mùa bội thu, hoa màu tươi tốt.
Không những vậy, bức tranh còn mang hàm ý người nông dân không chỉ lao động với nghề trồng lúa nước mà còn biết sáng tạo nghệ thuật. Chú bé thổi sáo trong bức tranh như gửi gắm về một niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.
Đặc biệt, tín ngưỡng phồn thực cũng góp phần xây dựng lên ý nghĩa tranh "Mục đồng thổi sáo". Những cụm cỏ cây trong bức tranh được thể hiện dưới dạng số nhiều. Cây cỏ nhờ trời đất thuận hòa được phát triển, xanh tươi và sinh sôi nảy nở.
Ngoài "Mục đồng thổi sáo", theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, bức tranh "Chăn trâu thả diều" cũng được rất nhiều người dân ưa chuộng, tìm mua.
Tranh "Chăn trâu thả diều" là hình ảnh một chú bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều. Con trâu trong tranh có chân trước nhấc lên như muốn bay lên cùng cánh diều.
Nhìn vào bức tranh này, thấy một khung cảnh yên bình ở làng quê, tranh thể hiện khát vọng bình yên của người nông dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vừa chăn trâu, vừa thả diều cũng là ý trừu tượng cho sự khéo léo, sáng tạo của người Việt Nam.
Đồng thời, nhiều gia đình cũng tìm mua bức tranh với hình ảnh chú bé khôi ngô, lanh lợi, cũng là mong ước sinh con đẻ cái, có được quý tử ngoan ngoãn, chăm chỉ trong năm mới.
Ngoài hai bức tranh tiêu biểu kể trên, hình ảnh con trâu trong tranh Đông Hồ còn có thể tìm thấy trong các bức như "Cày bừa" thể hiện vẻ đẹp của người nông dân trong công việc ruộng đồng lúa nước, là sự chăm chỉ cần cù của người dân Việt hay bức "Chọi trâu" miêu tả một tục lệ thường thấy trong lễ hội ở một số địa phương của Việt Nam,...
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã có từ thế kỷ XVI, phát triển thịnh hành đến cuối thế kỷ XX.
Trước kia, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Đây là dòng tranh sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng chất liệu có sẵn trong thiên nhiên, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam.
Hiện nay tại làng Đông Hồ, người làm tranh dân gian không còn nhiều, hầu hết người dân đã chuyển sang nghề làm vàng mã để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy vậy, theo tìm hiểu PV, tại Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, dòng tranh này vẫn được nhiều du khách đến tìm mua và ưa chuộng bởi nét đẹp truyền thống và là một trong những dòng tranh cổ hiếm hoi phản ánh sâu sắc về tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam.