Cái hồn của bức tranh nằm ở tâm hồn người nghệ sĩ
Đến phố Hàng Đường (Hà Nội), nhắc đến người vẽ tranh truyền thần, không ai là không biết đến họa sĩ Trần Văn Thịnh. Hơn 50 năm nay, với góc quán nhỏ chỉ rộng tầm 1m nằm ở số nhà 24, người ta đã quá quen hình ảnh ông Thịnh hằng ngày miệt mài với những bức vẽ truyền thần.
Từ sáng sớm, cửa hàng ông Thịnh (67 tuổi) lại mở cửa đón những vị khách đầu tiên tới đặt hàng. Trong không gian nhỏ ấy, chủ yếu là để trưng bày tranh, một lối nhỏ để đi và vài dụng cụ để vẽ tranh. Thế mà bấy lâu nay nó đã trở thành địa điểm thân thuộc cho những người yêu thích tranh truyền thần ghé thăm.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống vẽ tranh truyền thần, ông Thịnh cũng yêu thích vẽ tranh từ thuở nhỏ. Mỗi lần được xem từng nét vẽ của bố ông là cụ Cả Nghệ, ông đều tỏ ra thích thú và tập tành vẽ theo. Đến năm 15 tuổi, ông Thịnh bắt đầu thành thạo việc vẽ tranh và theo nghề từ đó đến nay.
“Để tạo nên một bức tranh có hồn từ ánh mắt đến từng chi tiết trên khuôn mặt, người vẽ cần có tư duy, tâm hồn của một nghệ sĩ thực thụ”, ông Thịnh tâm sự.
Nhìn những tác phẩm của ông, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi nó chỉ là một bức vẽ đen trắng nhưng có hồn đến lạ, khiến người xem không thể rời mắt. Thậm chí, có những tranh chỉ vẽ theo lời kể và trí tưởng tượng cũng giống nhân vật đến 80-90%.
Để làm được điều đó, người họa sĩ phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng đường nét. Bởi ông cho rằng, nếu cẩu thả trong một bước nào đấy, bức tranh sẽ không thể trở nên cuốn hút được.
Cố gắng lưu giữ không để nghề mai một
Nghề vẽ truyền thần ở Hà Nội phát triển rầm rộ nhất là từ năm 80 đến năm 90 của thế kỷ XX. Dạo đấy, chỉ tính riêng vài con phố gần đây cũng có đến 20-30 thợ vẽ tranh truyền thần. Tuy nhiên, một thời gian sau người ta thích chụp ảnh hơn là vẽ nên nghề cứ thế mai một đi. Bây giờ, chỉ còn khoảng 4 người theo nghề nữa thôi.
Dù vậy, ông Thịnh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã theo đuổi nghề lâu như thế. Vì ông luôn tin rằng, những người thực sự yêu cái đẹp sẽ hiểu được giá trị trong mỗi bức truyền thần mà ông muốn truyền đạt.
Ông Thịnh cho hay: “Người ta có bỏ thì mình vẫn cố mà giữ cái truyền thống của gia đình. Tôi thấy rất phấn khởi khi mấy năm gần đây, mọi người dần thích tranh truyền thần trở lại. Trong gia đình tôi, cũng có một vài người cháu họ biết vẽ, hy vọng nghề vẫn được lưu giữ.”
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, con phố Hàng Đường vẫn ngày ngày tấp nập, còn ông Thịnh thì vẫn say sưa bên cây bút, bột than và giấy để tạo nên những bức vẽ truyền thần đẹp hút hồn như thế.