Trong văn hoá Việt Nam, hổ là một trong 12 linh vật theo lịch phương Đông, là con vật dũng mãnh, biểu tượng của sức mạnh vô song, có uy quyền nhất, buộc tất cả các loài thú trong núi rừng phải khuất phục. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến văn học, mỹ thuật…
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao với “linh vật” con giáp của năm Nhâm Dần, những chú hổ muôn hình vạn trạng, đủ kiểu xuất hiện tại các khu công viên trang trí, hội hoa xuân của các tỉnh, thành.
Tại công viên Lý Tự Trọng (TP Huế), trong không gian trang hoàng xuất hiện những chú hổ theo nhiều hình thức trang trí khác nhau. Bên cạnh những chú hổ cách điệu ngộ nghĩnh dễ thương.
Còn tại Phú Thọ, đàn hổ trang trí được nhiều người nhận xét là mang vẻ "ốm yếu", trái ngược với sự hiên ngang, oai phong lẫm liệt vốn phải có của "chúa tể rừng xanh" đã được mang đi chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
Ngoài đàn hổ ở Phú Thọ, ở các tỉnh Đắk Nông, Bạc Liêu cũng xuất hiện những hình ảnh linh vật hổ gây cười. Có linh vật trông chẳng khác nào một chú mèo béo dễ thương, có những chú hổ thể hiện sự uy nghiêm, dũng mãnh nhưng lại không thành công.
Tại TP Đà Lạt, chú hổ ngộ nghĩnh được xếp đặt cưỡi hạc chở vàng cầu cho năm mới được nhiều tài lộc. Đây là lời cầu chúc TP Đà Lạt gửi đến du khách muôn phương khi đến Đà Lạt.
Có thể thấy, dịp Tết nhiều địa phương trưng bày hình tượng Hổ với muôn hình vạn trạng khác nhau trên đường phố. Việc xây dựng hình tượng linh vật của một năm và đặt tại không gian công cộng được nhiều địa phương thực hiện những năm gần đây. Mỗi bức tượng được đặt tại các địa phương đều mang thần thái, màu sắc riêng. Có những bức tượng hổ mang thần thái oai phong, mạnh mẽ, có những bức lại mang vẻ đáng yêu, ngộ nghĩnh.
Trao đổi với Lao Động, hoạ sĩ Mai Đại Lưu cho biết, thú chơi con giáp mỗi dịp xuân về là một nét đẹp văn hoá Việt được cổ nhân truyền lại. Tết Nhâm Dần 2022 với hình tượng là con hổ đã được biết đến từ tranh Hàng Trống, Đông Hồ, tranh thờ dân gian, trong điêu khắc đình làng... luôn mang một tinh thần dũng mãnh, thông minh nhưng gần gũi.
Hổ còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân mỗi dịp năm mới với nối tạo hình phong phú với cái nhìn đa chiều có nhiều cái mới hơn so với thời ông cha ta, tranh Hàng Trống hay Đông Hồ... xưa nhưng vẫn chứa đậm ý nghĩa tâm linh là mang lại may mắn trong năm mới cho tất cả mọi người.